Mang cơm đến với người nghèo giữa mùa dịch

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều điểm phát cơm từ thiện phải đóng cửa phòng dịch, tạm thời không phục vụ tại chỗ. Những người có hoàn cảnh khó khăn lâu nay cần sự hỗ trợ từ những nơi này nay càng rơi vào khó khăn hơn.

Nghĩ đến những hoàn cảnh trên và nghĩa tình đồng bào mùa dịch, nhiều điểm phát cơm miễn phí đã nghĩ cách vừa mang đến cho bà con những bữa cơm ngon vừa tuân thủ yêu cầu phòng dịch.

Ở nhà thuê vẫn nấu cơm chay tặng người nghèo

Bán quán nước, đồ ăn sáng trên đường Nguyễn Tri Phương hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Hòa, 59 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM, thấm thía biết bao mảnh đời khốn khó. Đồng cảm, bà Hòa bàn với con cháu góp tiền nấu cơm chay tặng cho người nghèo.

“Tôi cũng chạy cơm từng ngày, ở nhà mướn nhưng thấy nhiều người khổ quá, tôi chịu không nổi. Sẵn con cháu cũng rảnh, tôi rủ tụi nhỏ nấu cơm chay phát cho bà con bán vé số, xe ôm…” - bà Hòa chia sẻ.

Điểm phát cơm của bà ở trước hẻm 523 đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM, chỉ có chiếc bàn nhỏ gắn tấm bìa ghi chữ “Cơm từ thiện”.

Cứ đến 10 giờ sáng mỗi ngày, trên chiếc bàn kê sẵn, bà Hòa xếp ngay ngắn những phần cơm canh còn nóng hổi chờ người đến nhận. “Hôm trước, trong lúc tôi phát cơm, có một người đàn ông ghé vào, đưa cho tôi 300.000 đồng. Ông ấy kêu tôi nấu thêm vài phần nữa cho bà con nghèo. Ổng đi xe máy cũ, quần áo giản dị” - bà Hòa kể.

Khẩu trang, cơm chay được trao tận tay người nghèo tại 96 Nguyễn Chí Thanh, quận 10. Ảnh: NGỌC LÀI

Một người vừa nhận phần cơm nóng hổi tại điểm phát cơm của bà Hòa.
Ảnh: NGỌC LÀI

Cơm ngon với bốn món mặn, canh, xào, tráng miệng được bán với giá 2.000 đồng chờ người đến nhận ở quán Nụ Cười 6. Ảnh: NGỌC LÀI

Cách điểm phát cơm của bà Hòa không xa, tại 96 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP.HCM, Hội Pháp Hoa Ấn Quang, quán chay Mỹ Hương Trai phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10, UBND phường 2 (quận 10) và các mạnh thường quân cũng phát hơn 300 phần cơm và khẩu trang cho người nghèo.

Biết địa điểm này phát cơm miễn phí, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, 74 tuổi, tạm trú quận 8, TP.HCM, làm nghề bán vé số đến nhận cơm từ thiện.

Bà Trâm bộc bạch: “Tôi ở trọ bên quận 8, hằng ngày sang quận 10 bán vé số. Bình thường tôi hay bán ở các chợ, nay do ảnh hưởng dịch nên dạo này vắng, tôi bán vé số ế lắm. Bán vé số được bao nhiêu thì tôi để dành đóng tiền trọ, mua thuốc uống. Cũng may còn có những điểm phát cơm trong mùa dịch…”.

Chỗ dựa cho người nghèo mùa dịch

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (68 tuổi, ở quận 1, TP.HCM) cho biết hơn hai năm nay bà đã quen với việc trả 2.000 đồng để nhận về phần cơm có đủ bốn món mặn, xào, canh, tráng miệng ở quán Nụ Cười 1 (quận 1). Vài ngày trước, quán còn hoạt động, bà thường sang đó mua cơm. Dịch bệnh bùng phát, TP giãn cách xã hội, quán cơm phải đóng cửa. Nghe nói quán Nụ Cười 6 (quận Bình Thạnh) mở cửa trở lại, bà vội đạp xe sang đây mua cơm.

Bà Tuyến cho biết bà lớn tuổi rồi, không làm gì ra tiền, ngày nào bà cũng mua cơm ở quán cơm Nụ Cười hoặc đi nhận cơm từ thiện. “Ở đây họ bán một phần mà nhiều lắm, tôi chia làm hai cữ, ăn trong ngày. Những nơi này thật sự là chỗ dựa cho người nghèo trong mùa dịch” - bà Tuyến nói.

Cũng như bà Tuyến, ông Đào Mộng Long (sinh năm 1969, tạm trú phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là mối quen của quán cơm Nụ Cười 6. Ông mua cơm ở quán từ lúc nuôi mẹ bệnh ở BV Ung bướu TP.HCM. Đến nay, khi mẹ ông Long đã mất, ông vẫn trụ lại TP.HCM với nghề xe ôm.

“Trưa nào tôi cũng mang hộp nhựa qua đây mua cơm mang về nhà ăn. Mấy hôm quán nghỉ do dịch COVID-19, quả thật tôi chới với, không biết tìm ở đâu quán cơm vừa ngon vừa rẻ như quán Nụ Cười 6” - ông Long cho biết.

Lo lắng cho người nghèo như ông Long, bà Tuyến… không có chỗ mua cơm giữa lúc TP đang giãn cách, bà Phan Thị Châu (Chủ nhiệm các quán cơm tương trợ 2.000 đồng Nụ Cười 1, 2, 6) bèn tính cách đưa cơm đến với họ.

Bà Châu cho biết tuân thủ quy định giãn cách, quán quyết định đóng cửa chuỗi quán cơm Nụ Cười. Thế nhưng, nhiều bà con gọi điện thoại đến quán nói giờ các quán cơm hay điểm phát cơm từ thiện đều đóng cửa thì họ không biết làm sao đây. Phần lớn những người này đều có hoàn cảnh rất khó khăn, đang điều trị hoăc nuôi người thân bị bệnh nặng tại một số bệnh viện ở TP.HCM.

“Nghe họ nói, tôi rất đau đáu, lo lắng. Sau đó tôi quyết định mở cửa quán cơm Nụ Cười 2, Nụ Cười 6 bán lại từ ngày 1-6, chỉ bán cho họ mang về và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Vài ngày tới, tôi sẽ lên kế hoạch mang cơm đến tận nhà cho người khuyết tật, cụ già neo đơn…” - bà Châu nói.

Tại các điểm phát cơm miễn phí, khâu bảo đảm an toàn phòng dịch luôn được chú trọng. Ở quán cơm Nụ Cười 6, người dân đến mua cơm đều được hướng dẫn đeo khẩu trang, xếp hàng, giãn cách
2 m, không chen lấn.

Còn ở điểm 96 Nguyễn Chí Thanh, do lượng người đến nhận cơm rất nhiều nên lực lượng làm nhiệm vụ nhắc nhở người dân giãn cách phòng dịch đầy đủ…•

TP.HCM: Các điểm phát cơm cho người nghèo mùa dịch COVID-19

- Quán cơm Nụ Cười 2: 170 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.

- Quán cơm Nụ Cười 6: 11 Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh.

- Quán chay Mỹ Hương Trai: 96 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10.

- Điểm phát cơm từ thiện tại hẻm 523 đường Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm