Chúng ta đang xây dựng rất nhiều mối quan hệ trong thế giới ảo. Nhưng điều này không giúp con người tạo ra những kết nối bền vững trong thế giới thực.
Thật là dễ dàng khi chia sẻ những dòng tâm trạng lên Facebook, những dòng “tweet” trên Twitter, hình ảnh trên Instagram hay những clip trên Snapchat. Nhưng những mối quan hệ ngoài đời đang ngày càng trở nên khó khăn và nhiều thử thách hơn. Có nhiều lý do dẫn đến việc này.
Các mối quan hệ trên mạng rất nhanh chóng được gầy dựng nhưng càng nhanh hơn để đi đến đổ vỡ, thậm chí chuốc lấy hậu quả nặng nề.
Trong một bài viết trên Tạp chí Tâm lý học Ngày nay, TS Alex Lickerman khẳng định công nghệ đã làm cho con người khó kết nối với nhau hơn trước đây.
Ông cho biết những chia sẻ trên mạng ít được đồng cảm hơn so với những cuộc nói chuyện trực tiếp. Thêm nữa các chia sẻ này cũng khó hiểu hơn do những hạn chế của công nghệ.
“Mạng xã hội khiến các mối quan hệ của chúng ta trở nên dễ tổn thương hơn, bởi chúng dễ dàng gây hiểu lầm. Sự thể hiện ý nghĩ không thông qua lời nói (có thể chiếm tới 40% liên lạc ngày nay của con người) là hoàn toàn phiến diện” - TS Lickerman nói.
Trong một bài viết khác, BS Susan Biali đưa ra quan điểm “sử dụng Internet gắn liền với việc đánh mất bạn bè ngoài đời thực”.
Theo một bài viết trên tờ National Deseret: “Những đứa trẻ dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính gặp nhiều khó khăn trong việc thấu hiểu cảm xúc và thiết lập mối quan hệ bền chặt với người khác.
Chúng đang dành quá nhiều thời gian để giao tiếp bằng công nghệ, đến mức chúng không phát triển những kỹ năng giao tiếp cơ bản mà con người đã sử dụng từ trước đến nay”.
TS Kate Roberts - một nhà tâm lý học tại Boston nói việc dành nhiều thời gian online không giúp phát triển kỹ năng giao tiếp và những tư duy cảm xúc. Nó khiến chúng ta mất đi khả năng thu hút người khác, “tán tỉnh”, gây dựng tình cảm ở đối phương và tạo ra sự kết nối.
Nếu chỉ ở trong nhà, bạn sẽ rất khó tưởng tượng ra viễn cảnh hò hẹn thực sự. Thậm chí khi bạn từng trò chuyện trên các ứng dụng dành cho hẹn hò, việc gặp một người “bằng xương bằng thịt” sẽ hoàn toàn khác so với những lời tán gẫu trên mạng.
Những kỹ năng giúp chúng ta giao tiếp tốt qua mạng sẽ không áp dụng được trong đời thực, dẫn đến việc hai người chỉ ngồi nhìn nhau khi thực sự gặp gỡ.
Đối với những người tự vẽ ra hình ảnh sai lệch về bản thân trên mạng, việc hẹn hò thực sự là một thảm họa. Họ lo sợ người kia sẽ thất vọng.
Mặt khác, khi bạn gặp một người cung cấp thông tin cá nhân không trung thực, bạn sẽ có cảm giác bị lừa đảo ngay lập tức. Kể cả khi người đó đúng với những gì bạn biết, bạn sẽ chuyển những câu chuyện từ bàn phím ra đời thực bằng cách nào? Đó là một thách thức thật sự.