Cũng thời gian ấy, trong tiếng rộn rã lộc cộc của cửi khung bóng dấu tay người, những chuyến xe đạp, xe máy, rồi dưới thuyền trên bến, đưa cói chiếu đến đi khắp chốn thôn quê thị thành.
Cói được cắt về và phơi khô dọc đường làng. Những đứa trẻ cũng thực hiện việc phơi cói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con của mảnh đất An Xá cũng từng dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của nghề trồng và dệt chiếu cói quê mình. Nhưng nay, khi nói về lối đi ổn định cho làng nghề thuần chất quê ven dòng Kiến Giang xanh ấy, những bàn tay đen đúa sạn chai của người nông dân làng chiếu cói lại đan vào nhau, mắt nhìn xa và buông một tiếng thở dài.
Cả xã chỉ một làng trồng cói, dệt chiếu
Xã Lộc Thủy chỉ có mỗi làng An Xá là có nghề làm chiếu cói. Những người già trong làng kể lại rằng nghề làm chiếu cói có từ lâu lắm, khi vùng bàu Bạc Hải ngập nước mặn ven dòng Kiến Giang có những đồng cói xanh mướt mát thì nghề đã xuất hiện.
Cói được tách và phơi dọc đường làng cho đến khô.
"Làng làm nghề này chắc cũng 6, 7 trăm năm trước. Nghề truyền thống nên cũng có lúc thịnh suy theo bể dâu thời cuộc và tồn tại đến ngày hôm nay. Nói đến An Xá, ai cũng biết đến nghề làm chiếu cói". Ông Trần Hữu Trung (cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chiếu cói An Xá cho biết.
Gia đình ông Trần Hữu Nhân ở làng An Xá đã mấy đời nay làm nghề trồng cói dệt chiếu. Ông Trần Hữu Nhân và con trai đang tách cói.
Làng nghề đã tồn tại từ lâu đời và được lớp lớp con cháu gìn giữ. Gia đình ông Trần Hữu Nhân, người làng An Xá cũng đã làm nghề trồng và dệt chiếu cói mấy đời nay. Trò chuyện cùng chúng tôi khi bàn tay thoăn thoắt xe cói, ông Nhân giả lả: "Nghề truyền thống nên cha truyền con nối. Từ nhỏ tay tôi đã quen với tách cói, xe đay, phơi hong rồi đến dệt chiếu. Nay, những đứa con nhỏ của tôi đều có thể tham gia như bố nó, ông nó thuở ngày xưa…".
Hiện tại gần như 100% hộ gia đình dệt chiếu cói ở làng An Xá đều dùng phương pháp thủ công
Làng An Xá đẹp miên man. Dòng Kiến Giang quấn quýt với xóm làng, tre pheo và bến nước với những phiến đá tam cấp hằn vết chân người. Dòng sông ấy cũng là điểm nguồn nuôi sống xóm làng, giữ cho những đồng cói xanh mướt một màu. Người dân làng trước đây làm ruộng, vào buổi nông nhàn thì chính nghề dệt chiếu cói đã giúp cho làng An Xá hằng năm lại thêm màu ngói mới.
"Đấy! Bây chừ, cả làng 80 hộ làm nghề dệt chiếu cói, xêm xêm gần 200 lao động già, trẻ có công việc. Thu nhập dù ít nhưng đều đều bất kể trời nắng hay trời mưa". Bà Võ Thị Thu, người làm nghề trồng và dệt chiếu cói ở An Xá cho hay.
Mùa thu hoạch cói ở An Xá hằng năm thường vào tháng 3 và tháng 6 (âm lịch). Đó cũng là lúc mùa vụ vừa xong. Từ những manh chiếu thơm nức mùi cói khô đã góp phần mang lại sức sống cho An Xá. Quan trọng hơn đó là sự tồn tại của làng nghề đã giữ được nét hồn quê từ ngàn đời nay.
Trăn trở cho hướng đi của làng nghề
Cả làng 400 hộ dân nhưng chỉ có 80 hộ giữ nghề truyền thống. 100% trong số đó đều dùng phương pháp thủ công để sản xuất chiếu cói. Đây là điều trăn trở được người dân làng An Xá đem ra kể cho khách đường xa về cái khó của mình.
Một chiếc chiếu sắp được hoàn thành.
Để cho ra một manh chiếu hoàn thiện thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và không ít nhọc nhằn. Người làng vẫn thường quen với việc 5 năm trồng một lứa cói, mỗi năm bứt cói 2 lần, rồi thì phân loại, chẻ, phơi hong... Tiếp đóđưa vào khung dệt mới ra được sản phẩm cuối cùng.
"Anh tính xem, cả ngày chuẩn bị khung rồi dệt, một người quen tay với sự hỗ trợ của một "thợ phụ" thì mới cho được 3 tấm chiếu. Giá thành hiện nay một tấm chiếu bánđược 60 ngàn đồng. Tính tới tính lui chỉ được tiền công". Vừa mải miết bên khung cửi, bà Võ Thị Thu vừa phân trần.
Công lênh nhọc nhằn, nhưng lời lãi chẳng được là bao đã khiến không ít người làng tìm kiếm công việc khác. Nâng chén trà mời khách, lão nông làng nghề Trần Hữu Nhân thở dài: "Lớp trẻ phần đa đều chọn phương án đi làm ăn xa, kiếm chút vốn về buôn bán, ít người mặn mà với nghề dệt chiếu của quê nhà. Làng bây chừ chủ yếu là người già trẻ con, phần nhỏ vì miếng cơm manh áo, phần nhiều lưu luyến với nghề truyền thống nên mới theo".
Năm 2010 HTX làng nghề chiếu cói An Xá được thành lập và bước đầu đưa máy móc thay thế dần sức lao động của con người.
Nhưng để giữ nghề, phát triển nghề và sống được với nghề như lời căn dặn của Đại tướng mỗi dịp về thăm quê đã thôi thúc người dân làng An Xá tìm một hướng đi mới. Anh Trần Hữu Trung, một người cháu của Đại tướng là đã đi đầu trong việc dùng máy móc thay thế cho bàn tay con người trong quy trình dệt chiếu. "Năm 2010, gia đình tôi tiến hành đầu tư 350 triệu đồng mua 5 máy dệt chiếu cùng một máy may, đồng thời xây nhà, lập HTX làng nghề chiếu cói An Xá", anh Trung cho biết.
Dù chỉ với những bước đi chập chững ban đầu, những sản phẩm chiếu cói được làm ra từ máy móc có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, bắt đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường. HTX của anh Trung đã tạo việc làm liên tục cho 7 - 15 lao động ở địa phương. Thu nhập mỗi người từ 2 - 2,5 triệu đồng/ tháng. Sản phẩm chiếu cói được sản xuất công nghiệp bán ra thị trường khoảng 60 đến 140 ngàn đồng/1 chiếc. Mỗi ngày xưởng làm được khoảng 40 lá chiếu.
Công đoạn cuối cùng là in màu để cho ra một sản phẩm chiếu cói hoàn thiện.
"Tưởng vậy là ổn rồi, người làng có cơ nở mày nở mặt vì máy móc xuất hiện, nghề truyền thống phát triển là chắc chắn. Nhưng ai ngờ, lại gặp chuyện bãi bể nương dâu…", anh Trần Hữu Trung thở dài đánh sượt. Hỏi ra mới biết, kể từ khi công trình đê ngăn mặn Mỹ Trung nằm giữa hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đi vào hoạt động phục vụ trồng lúa đã khiến làng nghề chiếu cói có nguy cơ đi vào ngõ cụt vì … thiếu nước mặn.
Cây cói có đặc điểm chỉ có thể phát triển ở những vùng nước lợ, nếu thiếu điều kiện này, cây không thể phát triển. Mặc dù người dân An Xá đã chủ động mở rộng diện tích trồng chiếu cói để phục vụ làng nghề nhưng cung không đủ cầu. Theo số liệu từ UBND xã Lộc Thủy thì hiện tại chỉ có 4 ha phục vụ cho việc trồng nguyên liệu cho làng nghề. Và tất nhiên, để có hàng bán ra, người làng phải …nhập khẩu cói.
Chuyện từng manh chiếu thủ công từ công đoạn trồng đến từng đôi quanh gánh theo bước chân người đi đến khắp chốn đã trở thành những hồi ức quá vãng của người làng An Xá. Xóm làng đã nhiều tiếng bán mua, khách thương đã đến tận nơi để đưa sản phẩm chiếu cói đi khắp miền. Nhưng để có một lối đi bền vững cho làng nghề nói như anh Trung chủ nhiệm HTX thì: "Phải chi có một diện tích đủ lớn, quy hoạch một nguồn nguyên liệu ổn định thì làng nghề sẽ sôi động biết mấy. Lớp trẻ không còn phải tàu xe đất khách quê người kiếm miếng cơm manh áo mà có thể làm giàu ngay trên quê hương…".