Mây gió tâm linh

Tôi luôn trả tôi về thiên nhiên và không bỏ mất cái quyền yêu trời xanh và núi non. Đó là năng lượng của tôi. Sau mỗi cái ký sự viết về con người là tôi quay lại núi, sống lại với non xanh. Tôi có cảm giác phố phường không đủ chỗ cho tâm hồn tôi. Tôi nhớ phố phường, tôi yêu những gánh hàng rong, vỉa hè, xe cộ, kiến trúc, cùng những mặt người son phấn, nhưng thế giới của tôi phải là sự chập chùng hoang vu bất tận của những dãy núi mù xa.

Tâm hồn

Đúng nghĩa miền núi thì mùa khô là lúc dễ tiếp cận với các dãy núi, là mùa núi hiện ra nguyên hình. Đó là mùa mà những dòng suối trong suốt, nước như vắt lấy giọt từ những thảm thực vật, chảy ra trong sâu thẳm của khe cạn nhỏ tẹo trên đỉnh, để đúng cuộc hẹn hoan giao thành dòng dưới chân núi mà tìm ra suối. Cái tinh thần “Streamline”, những dòng nhạc kiểu Mirage, Screen music… hẳn cố tìm về hơi thở này đây. Cỏ cây hoang dã tiết trời này ở cái đỉnh của sự rạo rực, chồi non trào ra, hoa biếc bừng sắc, chim chóc dậy tiếng.

Chỉ cận cảnh mới trông thấy những thảm cây chợt trổ ra thứ lá toàn màu tím biếc, toàn lá đỏ au, thậm chí toàn lá đen thui, đôi khi là những dải cây không thể biết tên mà lá non mới bung màu đã vàng hơn cả lá thu, rồi những thảm cây lá non xanh mềm lóng lánh như lụa trong nắng núi. Trong những cánh rừng mưa nhiệt đới thường xanh chằng chịt dây leo, trên tầng cao của các cây già kia phong lan bắt đầu lặng lẽ trổ bông và tỏa hương. Những rừng bằng lăng trắng phơ phơ như những cây san hô khổng lồ dựng nên thành vách, mắc cạn trên miền sơn nguyên. Những rừng trúc thanh khiết muốt tận với thảm thực bì dày dần lên vào mùa đổ lá. Trời đất rộng ra hơn với bất kỳ dãy núi nào ở mùa khô.

Mây gió tâm linh ảnh 1

Núi Voi ở Định An, Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: NHT

Tâm linh

Mây, gió, nắng, mưa, sấm sét qua các đỉnh núi đều trở nên huyền bí, nhuốm màu tâm linh. Cái gì màu nhiệm hẳn thiêng liêng, cao vời, nuôi dưỡng và chở che tinh thần con người. Trời cao là Núi. Thượng đế là Núi. Ta không thấy được hình tướng Thượng đế và quyền uy cao vời của ngài thì hiện thân của ngài là những đỉnh núi ngút ngàn ấy vậy. Từ trong xa xưa con người đã xem các ngọn núi là nơi ở của thần linh, của cái gì thiêng liêng nhất đối với sinh vật người trước vũ trụ bao la. Ở Hy Lạp, Ba Tư, Hy Mã Lạp Sơn, Nam Mỹ, hay Phi châu đều thế. Từ đỉnh Olympus xa xôi cho đến Fanxipan, Ba Vì, Yên Tử, Bạch Mã, Chà Bang, Ba Thê, hay núi Đạ Brian (Đại Bình) ở xứ B’lao. Núi càng cao thần càng quan trọng, lớn, đẹp, bí ẩn, quyền uy và càng nhiều huyền thoại.

Tôi cứ đi giữa mênh mông núi non. Và từng cộng đồng dưới chân các ngọn núi cứ hào phóng dạy cho tôi những bài vỡ lòng về núi. Họ kể miên man về các truyền thuyết hình thành các ngọn núi, tất cả nếu không oai hùng thì cũng tuyệt đỉnh lãng mạn. Núi là “nhân vật” xuất hiện nhiều nhất trong bất kỳ sử thi nào của các dân tộc Tây Nguyên. Lúc thì núi hiện ra huyền bí, cao vời, lúc thì trìu mến, thân thương, thậm chí gần như xóm giềng, thành viên của cộng đồng. Không cái tên núi nào không ý nghĩa. Như núi Chư Yang Sin nghĩa là “Cổng vào Trời”, Nâm Nung là Sừng trâu, Chư Sê là Ngựa, R’was là Ngà voi, Lang bian là tên của hai người trẻ đẹp yêu nhau ghép lại… Tất cả đều có anh hùng và mỹ nhân, có ân ban của trời đất và ý chí của con người. Qua các ngọn núi mới hay con người dù tiến hóa đến mấy cũng cứ thần phục thiên nhiên, nghiêng mình trước những ngọn núi.

Yàng tập trung trên các đỉnh núi. Vì vậy mà người Tây Nguyên gọi những Yàng ấy là Yàng Núi, thần Núi, nên phải luôn cúng núi. Cho dù bây giờ là thời hiện đại, con người có thể biết chuyện toàn thế giới trong một cái nhấp chuột trên Internet thì sự linh thiêng của một ngọn núi ở một quê xứ cứ sừng sững trong lòng bất kỳ ai. Đỉnh Ngok Linh, người Sê Đăng, Giẻ Triêng tuyệt đối không để trời cao giận dữ, không tự tiện mở đường, xẻ núi... Không chỉ người bản địa Tây Nguyên, người Chăm ở miền duyên hải cũng kiêng nể thần núi. Ngay cả dân “lục lâm thảo khấu”, cánh đào đãi vàng, dân đi tìm trầm hương… không đám nào dám bỏ qua việc cúng vái “thần núi” trước khi vào rừng.

Chỉ có những người bất chấp tâm linh mới hành động mà không cần điểm tựa của trời đất, chân lý, quá khứ. Càng “phi tâm linh” càng hung dữ, càng không kiêng nể cái gì, cho dù là trời xanh hay núi cao, sẵn sàng tàn phá và tàn ác với thiên nhiên. Và khi con người ta có đủ độ tàn bạo để cạo sạch thảm thực vật trên một ngọn núi thì quả người ấy chẳng coi thần thánh ra cái thể thống gì.

Mây gió tâm linh ảnh 2

Dưới chân một ngọn núi với mênh mông màu vàng hoa Sơn Cúc vào đầu mùa nắng. Ảnh: NHT

Và sự thất lạc của tâm linh

Những người Ê Đê ở cao nguyên Đăk Lăk bảo núi ngày một cô đơn hơn. Người M’nông ở dưới chân Chư Yang Sin lại bảo may mắn khi dãy núi này được sung công, thành rừng quốc gia thay vì bị giao đứt cho tư nhân đầu tư, quản lý. Nhưng người Lạch mộc mạc nhạy cảm dưới chân núi Langbian thì kém may mắn hơn. Họ tự tình rằng từ khi người ta khai thác ngọn núi này cho công nghiệp du lịch, xe Jeep chạy lên tới đỉnh, hằng ngày người người lũ lượt lên núi thì họ không còn cảm giác về ngọn Langbian thiêng liêng nữa. Một dạo nghe người ta định làm cáp treo lên đỉnh, cất đền thờ thánh tiên ngoại lai xa lạ gì đó trên đấy, người Lạch ngồi chống cằm thương xót. Langbian đã thành một thực thể khác, là chất liệu của giải trí, là tài nguyên của du lịch thì thần núi nào còn ngự trên đó.

Núi vẫn nằm đó nhưng xa lạ. Nó xa lạ vì mất thiêng, không còn là biểu tượng tâm linh của quê xứ. Khi riêng ai đó ôm ngọn núi để làm du lịch thì cả cộng đồng mất cái quyền tự do lên cúng núi, dạo chơi trên núi. Chủ nhân của ngọn núi thiêng ấy cũng vĩnh biệt luôn những thảo mộc thân quen trong bữa ăn truyền thống của mình, từ cành lá biếp, rau K’siu, K’luôn, son đến trái rừng Ple mạc, Ple plui, gối, Ple k’sui và cả con cua núi, con cá khe… Cái phúc lợi trời cho đã không còn.

Cũng như người Lạch, người K’ho ở làng K’Long dưới chân R’was (núi Voi) bảo họ không còn được lên ngọn núi thần thánh của xứ sở nữa, khi bao quanh các sườn núi đã phân chia tứ tán cho công ty, cho nhà đầu tư và cho cả vài người lắm bạc nhiều tiền. Riêng cái chóp đỉnh núi Voi này nghe đâu cũng có một dự án du lịch do tư nhân khai thác. Vậy là người Cill ở buôn K’long ngay sát chân núi Voi ngàn đời kia sẽ có một ngày bỗng nhớ ngọn núi máu thịt thiêng liêng. Và khi người ta hồn nhiên cấp phép cho doanh nghiệp từ Hà Nội vào chế ngự đỉnh Pinhat ở Đà Lạt để cất tổ hợp khách sạn, biệt thự thì không chỉ người Cill của làng Darahoa mới tức ngực. Ở Kon Tum, những ngọn núi ở Măng Đen, Măng Cành của dãy Konplong cũng được “gả” dần để đầu tư; núi Nâm Nung ở Đăk Nông cũng đã mời chào đầu tư…

Trộm nghĩ nếu có quyền, tôi sẽ quốc hữu hóa các ngọn núi thay vì ra chủ trương khai thác các ngọn núi thiêng.

Không ai thống kê sự được-mất khi biến các ngọn núi thành cái máy in tiền. Chỉ thấy sự thất lạc của tâm linh, địa văn hóa, sự hẫng hụt trong sâu thẳm của con người trên các ngọn núi quê hương. Người ta có thể đánh giá lượng chứng khoán bán ra, lượng heo gà xuất thịt trên toàn quốc hằng ngày, số lượng võ sĩ Karate, ca sĩ, ký giả, lúa gạo, cà phê, hay số giáo sư, tiến sĩ của quốc gia… nhưng người ta chưa thống kê những giá trị tâm linh, truyền thống của các ngọn núi.

Hollywood làm bộ phim “2012” để giả sử ngày tận thế của nhân loại, ở đó, lúc cả trái đất chìm trôi trong nước thì chỗ dành bám víu cuối cùng vẫn là một ngọn núi le lói.

Con người ở đô thị hay làm hòn giả sơn để thỏa mãn cơn thèm nguồn cội tự nhiên. Tôi không làm giả sơn để đánh lừa mình. Tôi sẽ vẫn ngã người trên đỉnh Prah Yang để nghe tiếp bản sonat kỳ ảo vô tận của Thiên Nhiên, vẫn ngủ như đứa trẻ thơ nơi rừng Ea Sô mặc cho thế nhân rủ nhau đi chơi trò săn bò tót, đục núi đãi vàng, tìm đá saphia. Tôi sẽ vẫn hổn hển trên nóc nhà miền Thượng Ngok Linh chẳng phải vì sâm, vẫn hoang vu ở rừng Cát Lộc không phải chờ bóng ma tê giác Rhinoceros Annamiticus hiện về. Và vẫn chơi vơi nằm chờ bình minh lên trên đỉnh Langbian để vớt lấy từng mảnh khói mây sà lướt qua tay mình.

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm