Ngày 9-11, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình triển khai đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại BV Trưng Vương.
Máy móc hư hỏng hàng loạt
BS CK2 Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc BV Trưng Vương, cho biết từ năm 2004, BV Trưng Vương là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn TP.HCM xây dựng hệ thống quản lý BV điện tử (HIS) và vận hành khai thác liên tục cho đến nay. Ngoài ra còn có phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt bằng máy POS, BV cũng đang triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (dự kiến áp dụng vào cuối năm 2023), xây dựng đề án chữ ký số, sổ khám bệnh điện tử…
Nhân viên y tế BV Trưng Vương đang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa cấp cứu. |
“Đến năm 2014, BV được UBND TP.HCM cấp kinh phí nâng cấp hạ tầng nhưng hiện hầu hết máy chủ và thiết bị lưu trữ đã hết khấu hao, đầu tư máy cũ - mới không đồng bộ. BV đang trong quá trình xây dựng mới nhưng chậm tiến độ, do vậy hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo” - BS Hớn chia sẻ.
Tầm nhìn 2025-2030, BV Trưng Vương xây dựng hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ y tế dựa vào CNTT, chuyển đổi số hóa thông tin hiện có, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bổ sung trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.
Theo TS-BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng Khoa cấp cứu BV Trưng Vương, hồi tháng 6-2021, khi đại dịch COVID-19 tại TP bùng phát, Trưng Vương là một trong những BV đầu tiên chuyển đổi công năng sang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuộc tầng điều trị cao nhất.
“COVID-19 không chỉ tàn phá người bệnh mà còn tàn phá cơ sở vật chất của BV. Do phải liên tục phun khử khuẩn nên máy tính, máy lạnh, máy thở, máy điện tim… hư hao rất nhanh. Máy móc bị hỏng chạy chậm, thậm chí mất dữ liệu nhưng do không có tiền mua lại, BV phải chắp vá để dùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, cuối cùng là bệnh nhân bị thiệt thòi” - BS Tuấn trải lòng.
138 nhân viên nghỉ việc trong 10 tháng
“Từ đầu năm 2022 đến nay, BV Trưng Vương có đến 138 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 53 điều dưỡng. Phần lớn lý do được đưa ra là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, làm việc vất vả nhưng bị chậm lương. Nhiều điều dưỡng xin nghỉ khiến công việc dồn lên vai những người còn lại. Người ở lại quá tải, gánh nhiều áp lực nên tâm lý muốn nghỉ việc về sau tăng lên” - BS Hớn nói.
BS Tuấn cho hay BV Trưng Vương có 842 viên chức - người lao động, trong đó đề xuất 482 người được hưởng Nghị quyết 03 (quy định chi phụ cấp cho nhân viên y tế). Tuy nhiên, phụ cấp này chậm trễ nhiều quý liền “gần như không có tiền”. “Những người ra đi họ không sai, chỗ nào kinh tế đảm bảo hơn thì đi. Người ở lại vì tâm huyết nhưng quá tải công việc, chỉ cần có mâu thuẫn nhỏ là bùng phát giống giọt nước tràn ly…” - BS Tuấn bày tỏ.
Về nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), theo BS Hớn, hiện Phòng CNTT của BV có 10 người nhưng chưa có nhân sự sau đại học. BV cũng thiếu nhân lực chuyên trách lập trình, chuyên trách cơ sở dữ liệu. Nhân sự tại các khoa, phòng khác cũng không ổn định, thay đổi liên tục do nghỉ việc ảnh hưởng đến thời gian triển khai các phân hệ mới.
“Hiện chi phí của BV dành cho CNTT chỉ có 0,2%, một con số quá khiêm tốn. Chúng tôi mong có chính sách ưu đãi cho nhân viên CNTT ngành y tế, được quan tâm hơn về chi phí bảo trì, bảo dưỡng hằng năm sau khi kết thúc đề án hoặc cơ cấu chi phí CNTT vào viện phí. Và nếu có thể, các BV trên địa bàn TP nên hợp tác đầu tư về CNTT nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên cũng như dữ liệu để tránh lãng phí…” - BS Hớn đề xuất.
BV Trưng Vương là BV thứ tư trong kế hoạch giám sát này (sau BV Hùng Vương, BV 115 và BV Nhi đồng 2). Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của BV sau thời gian dài căng mình chống dịch, tham gia điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19.
Những khó khăn, kiến nghị của BV đoàn công tác đã ghi nhận và sẽ có đề nghị các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ giải quyết, đầu tư cơ sở vật chất, chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế…
Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Văn hóa Xã hội
HĐND TP.HCM