Họ kết hôn năm 2006 do mai mối. Năm 2007, họ có một người con gái chung. Vợ chồng họ có vài năm chung sống hạnh phúc trước khi xảy ra mâu thuẫn. Người vợ đâm đơn ra Tòa án quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xin ly hôn và xin được nuôi con mà không yêu cầu cấp dưỡng. Xử sơ thẩm, tòa đã giao con cho mẹ nuôi.
Sau khi xử sơ thẩm thì người chồng qua bắt con (đang ở với mẹ bên nhà ngoại) về nuôi và làm đơn kháng cáo xin được nuôi con. Mâu thuẫn của họ tôi xin không lạm bàn. Tôi chỉ thấy xót cho cháu bé - con gái họ - mới học lớp 3, lên chín tuổi, cái tuổi còn ngây thơ, tâm hồn và suy nghĩ còn như một tờ giấy trắng. Vậy mà nỡ lòng nào cha cháu bé lại gieo vào đầu con mình những suy nghĩ vô cùng kinh khủng về mẹ của mình. Tôi nói vô cùng kinh khủng vì lúc ở tòa sơ thẩm cháu không nói gì về mẹ hay cha, chỉ có một yêu cầu được sống với mẹ. Nhưng từ khi cha “bắt” về sống cùng được năm tháng thì cháu gửi cho tòa và gửi cho riêng tôi rất nhiều “tâm thư” kể tội mẹ mình.
Lúc xử, tôi hỏi cháu bé là cháu có biết bác không. Cháu bé nói không biết. Tôi hỏi vậy sao cháu biết tên bác để viết thư gửi đích danh bác luôn vậy. Cháu bé nói là do cha cháu kêu viết.
Lá thư dài bốn trang giấy học trò bằng màu mực tím nghiêng nghiêng chỉ toàn kể xấu về mẹ và nói tốt cho cha. Tôi đọc mà lòng đau như cắt. Một đứa trẻ lên chín tuổi, cái tuổi đáng lẽ được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nếu cha mẹ không còn thương nhau thì cũng không nên lấy con trẻ ra làm mũi dùi tấn công đối phương để thỏa mãn sự hả hê của mình.
Trong thư, cháu bé kể về mẹ nào là “theo trai, bỏ con, bỏ chồng ở nhà”, nào là “mẹ con là người nhẫn tâm, độc ác nhất trên đời”, “tất cả mẹ của các bạn con đều là người kiếm tiền nuôi gia đình còn mẹ con kiếm tiền nuôi trai, chỉ có cha con kiếm tiền nuôi gia đình”, “từ nhỏ đến lớn mẹ chỉ nấu ăn cho con có một lần”, “mẹ ăn chặn tiền của các công nhân”, “mẹ kiếm tiền, đi du lịch để hưởng thụ một mình”…
Khi hỏi cháu muốn ở với ai thì cháu trả lời ngược hẳn với lúc ở tòa sơ thẩm, đó là muốn ở với cha. Pháp luật quy định phải hỏi cháu và cháu đã nói vậy nên buộc lòng tòa phải sửa án, tuyên người cha được quyền nuôi con.
Suốt phiên xử, tôi thật sự rất nặng lòng về những câu chữ cháu viết trong thư. Tôi cứ luôn nghĩ và lo sợ rằng với suy nghĩ muốn “tẩy não” con mình như vậy thì người cha sẽ nuôi dạy cháu như thế nào? Và từ giờ đến lúc cháu trưởng thành, trong đầu của cháu chỉ có một hình ảnh về người mẹ của mình “xấu xí” như vậy thì làm sao cháu có thể yêu thương mẹ mình? Và người cha như thế thì liệu có nuôi con mình thành một người bình thường, biết yêu thương, kính trọng cha, mẹ hay không?...
Thẩm phán ĐẶNG VĂN HÙNG, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ