Bà Thái Hạnh Đào (59 tuổi) làm thợ sửa quần áo cũ. Nhà bà ở sâu bên trong những ngôi mộ cao ngất ngưởng ở tổ 6, ấp 2, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh
(TP.HCM) nên lưa thưa người đến sửa. Cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn nhưng bà không còn cách mưu sinh nào khác khi cơ thể đã bị cụt một tay và một chân.
Tai nạn nối tiếp
Năm tám tuổi, bà Đào theo mẹ ra chợ thì bất ngờ bị một ô tô tông suýt chết, sau đó phải cưa tay và chân. Chiếc chân giả theo bà từ ngày đó. Trưởng thành, ông trời đã bù lại bất hạnh khi mang đến cho bà một người chồng hết mực thương vợ.
Cuối năm 2000, vợ chồng bà càng hạnh phúc hơn khi đón bé Ngô Thái Gia Phúc chào đời. Tuy nhiên, khi Gia Phúc được 18 tháng thì tai họa đã ập tới. Một lần, bà Đào luýnh quýnh lo việc bếp núc, cái chân giả trượt té đẩy bà ngã vào chảo dầu đang sôi khiến bà bỏng nặng. Để có tiền thuốc thang, chồng bà đã bán căn nhà cha mẹ cho, còn lại một ít thì mua mảnh đất trong nghĩa địa để dành.
Căn nhà này được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, mạnh thường quân và bà con chòm xóm giúp đỡ xây. Với 25 triệu đồng, lúc đầu cũng chỉ cất được cái nha. Sau đó người chồng đi làm thợ hồ rồi xin những viên gạch dư về làm dần.
Rồi người chồng cũng ra đi vì bệnh. “Nhà tôi vốn thiếu ăn, nhiều lúc phải đi vay mượn nay bỗng dưng người lao động chính trong gia đình lại ngã xuống. Bao nhiêu thứ tiền đổ dồn vào một kẻ tàn tật, từ tiền ăn, tiền điện đến tiền thuốc thang… khiến tôi chẳng biết xoay đường nào. Những lúc như vậy tôi chỉ mong mình là người bị bệnh thay cho chồng, để chồng còn lo cho con” - bà nói.
Chồng mất, bà bấm bụng mua lại cái máy khâu cũ để sửa quần áo nuôi con. Ngặt nỗi nhà bà nằm sâu trong các ngôi mộ, lối đi vào nhà chỉ vừa đủ hai người chen chân, cây cầu dẫn lối nhà trước đây chòm xóm giúp đỡ nay đã bắt đầu ọp ẹp nên rất ít người ghé tới sửa. Tháng nào có nhiều đồ để sửa thì cũng khoảng 100.000 đồng. Tất cả chi tiêu trong gia đình đều trông vào tiền trợ cấp khuyết tật và nhận may vá thêm.
Con gái Gia Phúc đang phụ mẹ may vá, sửa đồ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Muốn rút học bổng để thay chân cho mẹ
Bà Đào bị sỏi mật và thoái hóa khớp, những cơn đau ấy bà chịu trận chống chọi mà không dùng đến thuốc, nhín nhịn để lo cho con ăn học. Bà chỉ mong sao cái chân giả đừng hư mục thêm nữa, đừng làm bà té thêm lần nào nữa để còn sức mà nuôi con. Chân cũ trước đây người chủ gây tai nạn thay chân cho bà lẽ ra cứ ba năm một lần theo lời dặn của bác sĩ. Tuy nhiên, từ 15 năm nay họ lơ luôn, đã không biết bao nhiêu lần bà dùng vải vóc, ốc vít các loại để chèn vá vào chiếc chân giả hầu mong duy trì tuổi thọ của nó.
Con gái Gia Phúc của bà Đào hiện đang học lớp 11 Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh. Từ lớp 1 đến nay em đều là học sinh giỏi, là niềm tự hào của mẹ. Vốn là người trầm tính song mỗi khi nhắc về gia đình đều khiến Gia Phúc (17 tuổi) nghẹn ngào. “Ngày ba ra đi, em đã nhiều lần có suy nghĩ bỏ học để giúp mẹ bớt gánh nặng gia đình. Nhưng rồi từ lời động viên của mẹ em dần hiểu hơn về tầm quan trọng của việc học, lời mẹ dạy cũng là động lực giúp em cố gắng hơn nữa. Con đường học tập của em có lẽ chỉ vỏn vẹn vài năm nữa thôi là tự em có thể đi làm nuôi thân nhưng quãng đường cực khổ của mẹ lại dài quá! Em chỉ biết phụ mẹ bằng cách nhận cắt chỉ cho người ta nhưng lâu lâu mới có hàng để làm...” - Gia Phúc rơm rớm nước mắt.
Nhiều lúc thấy mẹ bỏ chân ra để nhảy lò cò di chuyển trong nhà, Gia Phúc lại muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền thay chân cho mẹ. Nghỉ học thì đương nhiên mẹ không cho, em lại tính xin rút học bổng Thắp sáng ước mơ của Thành đoàn hỗ trợ, do Tổng Công ty Điện lực TP.HCM trực tiếp trao tặng để làm chân cho mẹ.
Bà Đào nghe vậy lại động viên con rồi mang chiếc chân giả ra chèn vá…
Bạn đọc giúp đỡ bà Thái Hạnh Đào xin gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp cô Đào”. |