Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành) cho biết hiện nay chi phí vận hành tuyến MRT 1 đang được lấy theo nội dung của báo cáo dự án đầu tư và báo cáo dự án đầu tư điều chỉnh. Lý do là vì công ty chưa có số liệu chính thức về giá trị đầu tư và danh mục tài sản sẽ được giao để đưa vào tài sản và hạch toán khẩu hao vào chi phí vận hành.
Kiến nghị không khoán sản lượng
Theo đó, công ty đề nghị đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công chia thành ba nội dung: Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; công tác quản lý điều hành, khai thác và bảo trì hệ thống nhà ga; công tác vận hành tàu (sản phẩm vận tải), không áp dụng hình thức khoán sản lượng, doanh thu vì với mô hình đầu tư và triển khai vận hành của hệ thống đường sắt đô thị không giống như hệ thống xe buýt.
MAUR đã bắt đầu đề xuất giá vé tàu metro số 1. Ảnh: ĐT.
Về phương án tính giá vé, Sở Tài chính cho biết theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì vận chuyển hành khách trên đường sắt đô thị là dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu.
Do đó, MAUR cần xây dựng phương án giá vé sử dụng tuyến MRT 1 trên chuyến, bao gồm cả chi phí đầu tư, sản lượng hành khách dự báo,...
Trường hợp MUAR chưa xác định được định mức, đơn giá, chi phí khi tuyến MRT 1 vận hành chính thức thì tham khảo số liệu, đơn giá chi phí lập phương án tài chính trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư của dự án. Đến khi tuyến MRT 1 hoạt động và đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thì xem xét tính toán lại cho phù hợp với thực tế và quy định.
Trên cơ sở đó, MAUR xác định chi phí, giá thành vận chuyển, phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước và mức độ thu hút hành khách, để đề xuất phương án giá vé cho giai đoạn ban đầu vận hành tuyến MRT 1.
Cần thêm nhiều phương án xây dựng giá vé
Sở GTVT cho biết phương án vé theo đề xuất của MAUR có thể hợp lý và chấp nhận được khi so sánh với giá vé hiện nay của hệ thống xe buýt và thu nhập bình quân của người dân TP.
Tuy nhiên, phương án chưa xác định chi phí, doanh thu, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, phương tiện (đầu máy và toa tàu) và các trang thiết bị khác để vận hành tuyến MRT 1.
Đồng thời, phương án vé cũng chưa xác định được việc bảo dưỡng và bảo hành trong giai đoạn đầu khi vận hành tuyến, chưa xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật như trẻ em, người cao tuổi, người có công, người khuyết tật và một số đối tượng khác...
Giá vé cũng chưa đánh giá được các đề xuất trên có tác động và ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án khi trình thông qua chủ trương đầu tư và dự kiến phần hỗ trợ từ ngân sách TP (trợ giá) cho giai đoạn đầu khi vận hành tuyến. Do đó, Sở GTVT đề nghị MAUR xây dựng nhiều phương án khác nhau để đảm bảo đánh giá đầy đủ các yếu tố trên.
Theo Sở GTVT do phương án giá vé cho tuyến MRT 1 được MAUR lập và đề xuất chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến giai đoạn đầu khi vận hành tuyến MRT 1. Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao MAUR tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án giá vé cho giai đoạn ban đầu vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá vé, đề xuất phương án giá vé theo quy định.
Trường hợp chưa có định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá cho tuyến đường sắt đô thị số 1, MAUR tham khảo phương án tài chính khi lập dự án trình thông qua chủ trương đầu tư, kết quả nghiên cứu và đề xuất của tư vấn trong dự án TC2. Từ đó, MAUR đề xuất phương án giá vé phù hợp (có tính khấu hao và không tính khấu hao), đảm bảo mục tiêu của dự án, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách TP, nhằm đảm bảo chặt chẽ đúng theo quy định.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết metro là một hình thức vận tải công cộng, do đó metro cũng cần phải tính sản lượng và trợ giá. Bởi hầu hết các loại hình vận tải công cộng thu không đủ chi nên việc trợ giá là cần thiết. Đặc biệt, TP cần tính toán đến phương án liên thông vé, hành khách có thể sử dụng một vé với nhiều hình thức vận tải công cộng.
Tương tự, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết việc xây dựng phương án tính giá vé metro cũng giống như nghiên cứu khoa học, bởi khi metro vận hành thì khả năng bù lỗ là rất cao. Do đó, đơn vị quản lý cần tính toán những thứ phải chi khi vận hành và những khoản thu được như quảng cáo trên metro, nhà ga, bãi giữ xe…, sau đó mới đưa ra phương án tính giá vé.
Theo ông Sơn, nếu làm tốt việc quy hoạch, có thể metro sẽ không cần đến trợ giá mà còn nộp ngược lại cho ngân sách TP.
2 phương án giá vé metro số 1 Hai phương án giá vé được MAUR đưa ra như sau: Phương án 1 giá vé khai thác cho năm đầu tiên được xác định trên giá vé mở cửa (dự tính là 8.000 đồng/lượt) và giá vé cho một km tiếp theo là 800 đồng. Phương án 2 đề xuất từ 7.000-12.000 đồng/lượt (thay đổi theo cự ly chuyến đi). Trong đó, 10.000 đồng/lượt cho chuyến đi có cự ly bình quân 9,5 km. Theo phương án này, ước tính chi phí đi lại trung bình hàng tháng khoảng 40 chuyến (tương đương khoảng 400.000 đồng/tháng). Trong khi đó, vé điện tử sẽ có mức giá thấp hơn 1.000 đồng/lượt so với vé lượt. Ngoài ra còn có vé một ngày là 22.000 đồng/ngày và ba ngày là 60.000 đồng/3 ngày. |