Miền Tây chưa kích cầu du lịch đủ mạnh, giá tour còn cao

Ngày 22-1, tại TP Sa Đéc đã diễn Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, TP.HCM đã phối hợp các tỉnh, thành triển khai các nội dung đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, với 03 chương trình du lịch là Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình.

Theo đó, chương trình vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu - điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép như vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan… Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã chủ trì phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức chuyến khảo sát và xây dựng sản phẩm, kết nối khai thác đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre trên tuyến du lịch “Non Nước Hữu Tình”; hai tuyến còn lại do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên chưa thể triển khai.

Trên cơ sở định hướng từ ba tuyến du lịch này, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng và chào bán ba sản phẩm liên tuyến với các tên gọi phù hợp bản sắc của mỗi sản phẩm và đặc trưng khu vực sông Mekong.

Ngôi nhà úp ngược - điểm tham quan ở Sa Đéc thu hút nhiều khách đến khám phá, check-in. Ảnh: HD

Ngoài ra, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch vùng đã được giới thiệu trên website, mạng xã hội, các báo đài, các quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tại 14 địa phương…

Các địa phương thẳng thắng nhìn nhận những tồn tại và hạn chế trong phát triển du lịch. Cụ thể các chương trình làm việc, khảo sát điểm đến xây dựng sản phẩm mới còn chậm. Công tác kết nối doanh nghiệp lữ hành, đánh giá cơ sở dịch vụ, quảng bá du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL chưa thể thực hiện nên công tác liên kết chưa có kết quả rõ nét...

Ngoài ra, các điểm khảo sát có tiềm năng trở thành điểm du lịch tương lai nhưng đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, hạ tầng dịch vụ còn yếu hoặc đang xây dựng, số lượng còn ít, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.

Mặt khác, các địa phương ĐBSCL chưa có chính sách giá kích cầu đủ mạnh để tạo sức hút đối với du khách, dẫn đến giá tour du lịch ĐBSCL còn cao so với giá tour du lịch đến các khu vực khác.

Thời gian qua do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhu cầu du lịch, thị hiếu du lịch và cách thức mua tour của du khách đã thay đổi. Theo đó, du khách chọn đi du lịch ngắn ngày, hướng về nghỉ dưỡng, tự đặt dịch vụ lưu trú và vé máy bay, đi theo nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè), ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch (hủy tour ngay nếu có thông tin về dịch bệnh).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm