Ngày 18-2, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các siêu thị trên địa bàn TP và doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn…
Cuộc họp ngày 18-2 tại UBND TP Cần Thơ có rất đông doanh nghiệp ngành dịch vụ tới dự. Ảnh: NN
Nhiều siêu thị giảm khách
Bà Nguyễn Mỹ Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho biết hiệp hội có khảo sát nhanh hội viên thì thấy ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn báo giảm doanh thu tới 50%.
Theo bà Thuận, các doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ lãi vay ngân hàng và đáo hạn ngân hàng, hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, bà Thuận cũng cho rằng TP nên sớm có kịch bản dự báo, đối với tình hình dịch như thế này thì làm gì và như thế kia thì phải làm gì để các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Đại diện các siêu thị trên địa bàn TP như Saigon Co.op Mart cho biết thời điểm này Co.op Mart có khó khăn về lượng khách, ngày thường giảm 20%-30%, ngày cuối tuần, thứ Bảy, Chủ nhật giảm tới 50%. Trung tâm Thương mại Sense City cũng cho biết lượng khách giảm 30% so với cùng kỳ, doanh số giảm khoảng 40% ở các gian hàng thuê khu vui chơi, âm thực. Siêu thị Lotte Mart cũng báo lượng khách giảm 20% so với bình thường. Siêu thị Big C tuy không giảm khách nhưng thói quen mua sắm của người dân thay đổi, thay vì đi vào buổi tối và ngày cuối tuần thì nay khách thường đi vào ban ngày và ngày thường để tránh đông người.
Khách tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2019. Năm nay lễ hội này cũng đã có quyết định dời ngày tổ chức để phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: NN
Hầu hết các siêu thị đều báo mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay khô khan hiếm. Thậm chí nhân viên siêu thị cũng phải dùng khẩu trang vải khi giao dịch với khách hàng. Liên hệ với đơn vị sản xuất đặt hàng nhưng cũng chỉ được cung cấp lượng hàng nhỏ giọt nên lượng bán ra cho khách cũng rất hạn chế.
Đại diện Làng du lịch Mỹ Khánh cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 nên khách vào tham quan, sử dụng dịch vụ giảm hẳn, trước đây mỗi ngày cả chục đoàn thì này chỉ còn một, hai đoàn. Trước là các đoàn đông thì nay chỉ là các đoàn nhỏ.
Cụ thể, từ mùng 1 đến mùng 5 tết lượng khách đông nhưng vẫn ảnh hưởng tin dịch bệnh nên giảm 10%-20%. Sau đó, Nhà nước có tuyên truyền bệnh dịch thì lượng khách giảm dần. Đến nay giảm 50%-60% lượng khách, nhất là khách đoàn, hiện nay không có khách phương xa, nhất là khách miền Bắc.
Một số khu du lịch khác cũng báo lượng khách giảm 30%-70%.
Doanh nghiệp lữ hành mất hàng tỉ đồng
Đại diện khách sạn Vinpearl Cần Thơ dự báo mấy tháng tới tình hình không khả quan. Trong tháng 2, tình hình hội họp, hội nghị của các công ty, doanh nghiệp không có, ngoại trừ một số tiệc cưới đã đặt từ trước tết. Trước nhiều công ty còn tổ chức hội nghị đầu năm thì năm nay những đơn vị đã đặt đều hủy. Nhiều công ty du lịch đã đặt phòng cũng xin hủy…
Đại diện khách sạn Mường Thanh cho biết khách lưu trú tại khách sạn này giảm 30%, các đoàn lớn ký hợp đồng trước cũng xin hủy, có khách hủy cả tiệc cưới. Những hội nghị trên 1.000 khách hủy hoàn toàn nên ảnh hưởng doanh thu là rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NN
Bà Lương Thị Quỳnh - Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết dịch bệnh ảnh hưởng trong tháng 2 với tổng lượt khách và doanh thu giảm 50%. Trong tháng, đơn vị này mất 1.248 lượt khách, doanh thu tương ứng hơn 10 tỉ đồng. Tổng lượng tiền mặt Vietravel phải trả cho khách đến hủy tour là 4,5 tỉ đồng…
Nhiều đơn vị lữ hành khác cũng cho biết lượng khách giảm đáng kể, hủy nhiều tour lớn khách đã đặt thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, các kế hoạch sắp tới cũng chưa có nhiều khách đăng ký do chưa biết diễn biến dịch bệnh sẽ ra sao.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị TP hỗ trợ mua khẩu trang y tế và nước rửa tay khô để phục vụ nhân viên và khách du lịch vì nguồn khẩu trang y tế trên thị trường hiện quá khan hiếm. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Quang Hoài Nam cho biết đã liên hệ với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), họ làm việc với Vinantex, Saigon Co.op và Lotte cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn. Ông Nam đề nghị các siêu thị Lotte, Co.op Mart ở Cần Thơ cung cấp khẩu trang cho TP. Đồng thời, Sở Công Thương cử người làm việc với Vụ Thị trường trong nước để theo dõi các hoạt động của siêu thị để bổ sung…
Ông Trường Quang Hoài Nam cho biết về thuế và lãi suất doanh nghiệp, TP đang làm việc với ngân hàng để có chính sách chung. Trong phần của TP, cuộc họp này chưa phải cuối cùng, TP cùng VCCI có nghiên cứu sâu sắc hơn để đưa ra các dự báo, các kịch bản, trong đó có cả việc liên kết với các địa phương bạn xung quanh…
Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nam đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận để sớm trao đổi cơ quan hữu quan để sớm có báo cáo UBND TP trước ngày họp ủy ban trong tháng 2. Sở VH-TT&DL bám sát diễn biến dịch theo công bố, trong liên kết giữa các hiệp hội và doanh nghiệp để thực hiện kích cầu du lịch ngay khi có thể và được phép, làm việc với các địa phương bạn. Sở Công Thương lưu ý chương trình kích cầu tiêu dùng. Ban quản lý KCX-KCN lưu ý hoạt động phòng, chống dịch của doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn…
Doanh nghiệp nên chủ động tính toán lợi ích
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, khuyến nghị doanh nghiệp nên chủ động tính toán trong lợi ích để có hướng phát triển. Khi doanh nghiệp nói khó khăn là mong chính quyền hỗ trợ ngay trong khi chính bản thân doanh nghiệp chưa có tính toán phù hợp với doanh nghiệp của mình để cầm cự được trong giai đoạn này.
“Kỳ vọng của chúng ta là vùng không có dịch, nếu ồ ạt làm các chương trình kích cầu mà nếu không quản lý được, để dịch xảy ra thì thiệt hại còn kinh khủng hơn, cho nên khi bắt tay làm thì phải đánh giá các thiệt hại” - ông Lam nêu ý kiến.