Ngay sau khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, ngày 24-2, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã tiến hành cách ly 78 hành khách bay từ Daegu (Hàn Quốc) đến sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cách ly khách đến từ tâm dịch Daegu
Chuyến bay có lịch trình xuất phát từ Daegu lúc 6 giờ 52 phút và đã tới sân bay Đà Nẵng lúc 10 giờ 43 phút. Số hành khách này gồm cả người Việt và Hàn Quốc trên chuyến bay lập tức được giám sát y tế một cách chặt chẽ. Sau đó, xe quân đội và y tế chuyển các hành khách này đến các trung tâm cách ly đã được TP bố trí sẵn.
Những hành khách là người Việt Nam được cách ly tại Trung tâm Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang) của quân đội, còn người Hàn Quốc được cách ly tại BV Phổi.
BS Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết 58 người Việt Nam trong đoàn đã được cấp tốc đưa đến Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
“Đây là khu vực cách ly đã được chuẩn bị từ trước và 58 người này sẽ được cách ly 14 ngày để theo dõi theo đúng quy định” - BS Hồng thông tin.
Cũng theo vị bác sĩ này, trong số hành khách người Việt, một người được xác định bị sốt, vì vậy đã được chuyển qua BV Phổi để theo dõi, cách ly. Hầu hết người Việt Nam đều không có phản ứng gì với việc bị cách ly.
Riêng với 20 người Hàn Quốc, đã được chuyển từ BV Phổi Đà Nẵng đến cách ly tại một khách sạn ven biển Đà Nẵng.
Đà Nẵng chuyển 78 hành khách từ tâm dịch Daegu vào khu cách ly. Ảnh: HOÀI AN
Kiểm soát cả khách đến từ Nhật Bản
Các tỉnh, thành phố miền Trung đón lượng khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều và có người lao động Việt Nam tại hai quốc gia này cũng sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch COVID-19 như đã áp dụng đối với du khách Trung Quốc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trước mắt giao Sở LĐ-TB&XH nắm lại và báo cáo tình hình người lao động Hàn Quốc, Nhật Bản tại Quảng Nam cũng như đang làm việc tại nước ngoài.
“Sở VH-TT&DL được giao nắm thông tin về khách du lịch từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đăng ký tour đến Quảng Nam qua các công ty lữ hành trong thời gian tới. Sở GD&ĐT nắm con số người Quảng Nam đang du học ở hai quốc gia trên. Sở Y tế xây dựng phương án sử dụng Trường Trung cấp cảnh sát tại Thăng Bình hiện đang do Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bộ Công an quản lý làm khu cách ly tập trung thứ hai bên cạnh khu của Trung đoàn 885 Quân khu 5 tại Tam Kỳ” - ông Thanh nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 271 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và tại Nhật Bản là 2.600 lao động. Ngược lại, số lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Quảng Nam là 211 người và Nhật Bản là 33 người.
“Các lao động này tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những lao động này hầu hết đã được các doanh nghiệp bố trí ở các khu nhà của công ty” - ông Lê Huy Tứ, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, nói.
Ông Tứ cũng cho biết tỉnh này tăng cường công tác giám sát hàng không, hàng hải và khu vực cửa khẩu. Từ ngày 25-2, tỉnh này sẽ lắp máy đo thân nhiệt tại sân bay Chu Lai để giám sát tình hình sức khỏe hành khách di chuyển nội địa.
Đà Nẵng cũng đã lên phương án phòng, chống dịch COVID-19 đối với các hội nghị diễn ra. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã tổ chức phiên họp thứ tư trong thời điểm dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng đang là vấn đề đáng lo ngại.
Ban hành quy trình phòng chống dịch
Ông Lương Ngọc Khuê, tổ trưởng Tổ công tác y tế, Tiểu ban An ninh - Y tế, cho hay Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Các bên đã thống nhất ban hành quy trình phòng, chống dịch bệnh nhóm A và các bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Đà Nẵng.
Theo đó, tất cả khách nhập cảnh nói chung sẽ được giám sát thân nhiệt, khai báo y tế, đặc biệt là khách đến từ vùng dịch. Riêng khách là đại biểu, phóng viên tham dự hội nghị này sẽ được thực hiện quy trình kiểm dịch y tế ưu tiên để nhanh chóng vào khu vực nhập cảnh.
Các đại biểu, phóng viên nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm sẽ được đưa vào khu vực hạn chế để kiểm tra, đồng thời xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng khi cần phải thực hiện cách ly.
“Tại mỗi khách sạn, địa điểm phục vụ đại biểu tham dự hội nghị đều được bố trí một tổ y tế thường trực với đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết” - ông Khuê nói.
Bộ Y tế cũng đã thành lập 45 đội y tế cơ động nhằm phòng, chống dịch tại các khách sạn, địa điểm diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Cách ly toàn bộ người nhập cảnh từ Daegu và Gyeongsangbuk Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sáng 24-2, nhận định về diễn biến tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc (HQ), các chuyên gia y tế cho biết hiện HQ có điểm dịch phức tạp là TP Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk. Việt Nam (VN) và HQ có mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều phương diện, số lượng người qua lại đông, các chuyên gia cho rằng hiện nay nên khuyến cáo công dân VN hạn chế đến Daegu và Gyeongsangbuk. Mọi hành khách từ hai địa phương này nhập cảnh vào VN thì phải thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Các trường hợp đến từ các địa phương khác của HQ phải thực hiện khai tờ khai y tế để theo dõi. Các chuyên gia y tế cùng đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH cũng khuyến cáo các công dân VN đang sống và làm việc tại HQ phải chấp hành nghiêm chỉnh các khuyến cáo của ngành y tế, chính quyền HQ; hợp tác chặt chẽ cùng nhà chức trách sở tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện tại nên hạn chế di chuyển, không đi ra khỏi HQ (kể cả về VN), nếu về nước thì phải thực hiện cách ly y tế theo quy định. |