Vậy chính xác con heo đó đã được sinh ra tại đâu, ai nuôi dưỡng, ai giết mổ, giết mổ giờ nào, theo chiếc xe nào về đến chợ hoặc siêu thị?
Đã đến lúc người dân muốn biết và cần biết những điều đó. Miếng thịt phải biết nói năng!
Để làm gì? Để người dân có thể lựa chọn và tránh đi những cái tên bị bêu vì nuôi heo theo cách bẩn.
Cơ quan quản lý phát hiện vi phạm thì công khai tên người nuôi heo, công khai là việc cần làm nhưng công khai tên cơ sở vi phạm, còn miếng thịt thì im thin thít, người dân nhìn miếng thịt thì miếng nào cũng như nhau, làm sao biết miếng thịt này từ ông A, bà B. Cơ sở nào vi phạm, cơ sở nào làm tốt… để mà lựa tránh hay lựa chọn!
Không phải đơn giản khi trên thế giới có rất nhiều tổ chức đứng ra xây dựng các quy trình trồng trọt, chăn nuôi có thể “truy xuất nguồn gốc” từ trang trại đến bàn ăn. Hạt giống ở đâu, trồng tại đâu, trồng bằng cách gì, ai trồng, thu hoạch thời điểm nào, phân phối ra sao…
Điểm cần thiết để người dân có thể nhận biết là trên sản phẩm phải có nhãn thông tin. Ít nhất là tại gian hàng bán thịt phải có bảng thông tin về nguồn gốc của thịt. Muốn có thông tin tại quầy bán thì phải có quy trình, quy định xây dựng thông tin ngay từ trang trại. Từ trang trại đã phải có thông tin con heo đẻ khi nào, nuôi bao lâu, ai nuôi,… bán cho ai, đến sạp nào ở chợ đầu mối, ra chợ lẻ khi nào…
Nếu không có thông tin thì đừng nói là người tiêu dùng không biết mà ngay cả cơ quan quản lý khi đi kiểm tra cũng tắc tị, chỉ kiểm tra được một điểm là hết, không có “đường dây thông tin” để tỏa ra xử lý nhiều phía, trong khi một miếng thịt heo đi qua biết bao nhiêu tay!
Nếu bắt buộc xây dựng hệ thống thông tin có thể truy xuất nguồn gốc thì việc kiểm tra của các cơ quan quản lý cũng có thể hiệu quả hơn. Từng cá nhân tham gia vào khâu kinh doanh miếng thịt cũng phải có trách nhiệm hơn vì nếu không chọn kỹ bạn hàng, đối tác, chẳng may một đối tác bị bêu tên vi phạm thì những khâu từng liên quan sẽ bị ảnh hưởng theo. Bù lại, nếu cả chuỗi cùng kinh doanh tốt, có tiếng tốt thì sẽ cùng nhau xây dựng được một chuỗi thịt sạch truy được nguồn gốc, được người tiêu dùng tin cậy.
Người dân đòi hỏi cơ quan quản lý, những công chức đang hưởng lương từ tiền thuế của dân, đang làm những nhiệm vụ được dân giao phó cho phải tư duy cách quản lý, cách kiểm tra, cách xử lý sao cho hiệu quả, đừng để dân mỗi khi gắp miếng ăn lên đều phải nhợn, cũng đừng bắt dân phải “tiêu dùng thông minh” trong khi Nhà nước chưa làm đủ trách nhiệm để người tiêu dùng có căn cứ để mà phát huy “thông minh”.
Câu chuyện truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn thực phẩm… không phải là câu chuyện mới, nhất là ở các nước phát triển. Ở nước ta đòi hỏi này cũng không mới lạ gì. Điều cần nhất bây giờ là sự quyết liệt.