Minh bạch và nhu cầu tìm kiếm sự thật

“Vụ Panama là một hiện tượng rất đặc biệt, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình thế giới hiện nay. Tôi nghĩ cho đến nhiều năm sau nữa có lẽ không có sự kiện nào gây tiếng vang như sự kiện này. Đây thực là một quả bom gây chấn động thế giới thời gian qua, nhất là đối với giới cầm quyền của các quốc gia hiện nay, không phân biệt chế độ chính trị” - GS Nguyễn Đăng Dung, thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp 2013 và Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) mà Quốc hội vừa thông qua, chia sẻ.

Minh bạch là phương tiện quan trọng trong chống tham nhũng

. Phóng viên: Rõ ràng, thông qua vụ “bom Panama”, những đòi hỏi và nhu cầu về sự minh bạch, về sự thật luôn thường trực đối với mỗi con người và người dân mỗi quốc gia. Theo ông, vì sao minh bạch và sự thật lại là đòi hỏi và nhu cầu?

+ GS Nguyễn Đăng Dung: Nguyên tắc minh bạch và sự thật là một trong những yêu cầu của người dân đối với nhà nước, nhất là trong thời đại hiện nay của công nghệ thông tin. Minh bạch và tìm kiếm sự thật luôn luôn là điều kiện đầu tiên cho việc cung cấp các thông tin trở thành những công cụ bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người dân, đồng thời cũng là phương tiện quan trọng cho việc phòng và chống tham nhũng của các quan chức nhà nước.

. Một xã hội tìm kiếm sự thật, một nền chính trị minh bạch, một thế hệ chính trị gia vị quốc luôn là niềm mong ước của mọi quốc gia. Theo ông, những mong ước này sẽ trở thành sức ép như thế nào đối với các lãnh đạo hoặc chính trị gia trong việc quản trị đất nước?

+ Nên nhớ rằng ngay từ thời xa xưa, việc thành lập ra nhà nước đều có một mục đích là làm cho con người được hạnh phúc hơn, trong đó quyền của mọi người đều được bảo đảm. Thuở ban đầu như vậy nhưng rồi dần dần mục đích đó cứ mai một đi, những người có quyền lực nhà nước trở thành những nhà độc tài chuyên chế, rồi thậm chí là mị dân, sẵn sàng tuyên bố quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng dần dần lại sử dụng quyền lực nhà nước như là một thứ tài sản của riêng, tìm mọi cách ngăn cản sự tham gia, sự kiểm tra giám sát từ phía người dân. Bí mật và giữ thông tin luôn luôn là bản chất của bất kỳ nhà nước nào. Vì như vậy sẽ dễ dàng cho họ thực hiện hành vi cai trị và kèm theo nhất là những hành vi cai trị tham nhũng mang vụ lợi cho bản thân và người thân.

Sự tham gia và nhất là sự tìm kiếm tư liệu chứng minh sự gian dối của các quan chức nhà nước từ phía người dân không những bị ngăn cản mà còn bị lãnh án phạm tội phỉ báng nhà nước. Nhiều nước đã từng có luật này để cản trở sự chỉ trích của người dân đối với nhà nước, mà ngày nay đã buộc phải hủy bỏ và cùng với lúc đó họ còn thông qua luật TCTT cho người dân được tiếp cận với nguồn tài liệu của nhà nước, trừ những thông tin mật liên quan đến an ninh quốc gia, mà nhà nước thông qua những quan chức phải chứng minh trước yêu cầu của người dân.

Nhưng cuối cùng theo tiến trình của lịch sử, sự phát tiển theo quy luật dân chủ, các nhà cai trị đều phải chịu trách nhiệm, đều phải minh bạch trước dân. Hơn hai thế kỷ trước, nhà triết học người Anh đã cảnh báo rằng: Quyền lực có xu hướng lạm quyền, quyền lực tuyệt đối thì lại càng có xu hướng lạm quyền tuyệt đối. Ngay ở trong thành ngữ của người Việt cũng có câu tương tự: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Người dân luôn ở xu hướng cần thiết phải đấu tranh với xu hướng lạm quyền và đã nhận ra quy luật: Nhà nước thời nào cũng cần nhưng quyền lực của nhà nước thì phải giới hạn bằng những hoạt động minh bạch, bằng sự phân quyền và chịu trách nhiệm của những người nắm quyền lực nhà nước. Cuộc đấu tranh này có những lúc lên lúc xuống, thậm chí là rất dai dẳng nhưng chúng ta cần tin tưởng rằng ngày càng thuận tiện hơn về phía người dân với sự trợ giúp của những tiến bộ khoa học và cùng với sự nhận thức về quyền con người của mỗi người dân. Điều này giải thích cho chúng ta tại sao chuyện Hồ sơ Panama và những câu chuyện tương tự bây giờ mới được xảy ra vào thời đại hiện nay mà không phải từ thời trước kia, mặc dù những hiện tượng này không phải là không có.

“Tài liệu Panama” qua những con số. Infographic: QUANG DUY

Người dân phải biết đòi tính minh bạch

. Theo ông, sức ép của minh bạch, của xu hướng tìm kiếm sự thật sẽ buộc nhà lãnh đạo, chính quyền các quốc gia phải hành xử thế nào đối với người dân trong cuộc đấu tranh tìm kiếm sự thật?

+ Đó là những vấn đề nhân quyền, mà đã là nhân quyền thì không kể của chế độ chính trị nào, đều là những cuộc đấu tranh giữa những người dân và những người cầm quyền. Đó là cuộc đấu tranh rất dai dẳng. Sự che giấu hay là không muốn cho người dân tiếp cận các thông tin của nhà nước luôn là quy luật cho đến hiện nay của mọi nhà nước. Công việc nhà nước từ xa xưa đã được giải thích là tuyên truyền một cách áp đặt thần bí rằng của cá nhân một ông vua được truyền ngôi theo định mệnh của nhà trời, không là công việc của mọi người dân. Và người dân chỉ biết nhẫn nhục và trông chờ vào sự ban ơn của nhà vua thông qua các quan lại thừa hành. Vì vậy, với sự kiện Hồ sơ Panama phanh phui việc trốn thuế, việc gian lận của không ít nhà cầm quyền các quốc gia là một công việc cực đặc biệt, thể hiện một tinh thần, một quy luật phát triển khách quan của thời đại, người dân phải biết đòi tính minh bạch trong các hoạt động của họ.

. Hiến pháp 2013 đã làm nổi bật vấn đề quyền con người. Luật TCTT mà ông là thành viên ban soạn thảo là một hành động cụ thể thực hiện một trong những quyền con người được hiến định. Theo ông, Hiến pháp 2013 và Luật TCTT sẽ có tác dụng thế nào đối với việc thúc đẩy quá trình hiện thực hóa minh bạch tại Việt Nam?

+ Với sự thúc đẩy tôi nghĩ là mang tính khách quan của công cuộc đổi mới và dân chủ, năm 2008 Việt Nam chúng ta đã tiến hành soạn nhưng sau đó đã phải dừng lại. Chỉ mãi đến sau Hiến pháp năm 2013, mọi sự mới được khởi động lại và cuối cùng dự thảo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 6-4-2016, vào đúng thời gian trước đó vài ngày có vụ Hồ sơ Panama. Với sự kiện tiếp cận truyền thông như một tiếng bom đã và đang làm lung lay một số chế độ đương thời nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn quyết tâm thể hiện ý chí của mình cho việc thông qua dự luật nói trên là một thành công rất lớn cho việc thúc đẩy quá trình thực hiện hóa minh bạch ở Việt Nam. Việc Quốc hội thông qua Luật TCTT như là nền tảng cho việc thực hiện các quyền con người trên thực tế ở Việt Nam.

. Xin cám ơn ông.

PGS ĐẶNG NGỌC DINH:

Sự tham gia của người dân sẽ kiểm soát được tham nhũng

Minh bạch và nhu cầu tìm kiếm sự thật ảnh 3

Hệ thống quản trị hiện đại bao hàm những vấn đề cốt lõi như minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Sự tham gia của người dân sẽ kiểm soát được tham nhũng và những hệ lụy do nó gây ra.

Mô hình quản trị hiện đại sẽ lái xã hội vào con đường đúng khi tuyển dụng được vào hệ thống công quyền những người tài, có đạo đức tốt. Những người có đức, có tài đảm nhận những vị trí quan trọng trong hệ thống công quyền và trong xã hội sẽ có tác động thúc đẩy sự minh bạch nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển tốt hơn. Điều này cần thời gian và sự cầu thị thực sự.

Minh bạch là nhu cầu tất yếu

Minh bạch thông tin là nhu cầu cơ bản, tất yếu của cuộc sống. Quyền tự do hoặc TCTT được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người. Vì nếu không có thông tin thì người dân cũng không thể thực hiện được các quyền dân sự và chính trị khác, thậm chí là cũng khó thực hiện quyền được sống. Chẳng hạn nếu không có thông tin về an toàn thực phẩm thì người dân khó thực hiện được việc sống an toàn và lành mạnh.

Đối với những thông tin về đường lối, chính sách của Nhà nước người dân cũng phải biết, đặc biệt là thông tin về những chính trị gia. Bởi những thông tin này sẽ cho người dân biết chính trị gia đó có phải là công bộc mà người dân lựa chọn chính xác hay không. Nếu những thông tin về hoạt động, tài sản của các chính trị gia được minh bạch thì người dân sẽ càng tin tưởng vào nhà nước.

Chính vì không phải lúc nào các chính trị gia cũng chịu minh bạch những thông tin nói trên nên những vụ việc như “Tài liệu Panama” gây chấn động vì hành động giấu diếm, trốn thuế của các chính trị gia ở nhiều nước. Điều này chắc chắn không nên xảy ra.

Ở Việt Nam, Quốc hội vừa thông qua Luật TCTT, cùng với những nguyên tắc công khai thông tin đã được hiến định thì những thông tin của Nhà nước là thuộc sở hữu của người dân. Luật TCTT cũng đã quy định những thông tin, dù người dân không yêu cầu cũng phải công khai như: chính sách, pháp luật, quy hoạch đất đai… Có những thông tin khi người dân yêu cầu thì Nhà nước phải đáp ứng theo nguyên tắc “công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ”. Chỉ một số thông tin là phải giữ bí mật để đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự và đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Còn lại, những thông tin khác cần phải công khai để người dân được biết. Ngay cả những thông tin bí mật thì cũng phải có thời gian giải mật. Những thông tin về hoạt động và thu nhập của lãnh đạo cũng phải công khai cho người dân được biết. Có người đặt vấn đề rằng: Thông tin tài sản là bí mật cá nhân và tài sản của lãnh đạo vì thế cũng không thể công khai. Nhưng điều đó chỉ áp dụng đối với công dân, còn với những “công bộc” của dân thì phải công khai. Còn nếu như một người không thích công khai thông tin tài sản thì có thể không tham gia chính trị để chịu những ràng buộc chính đáng này.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm