Mở rộng khu trung tâm về phía sông Sài Gòn

“Đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm 930 ha hiện hữu hứa hẹn sẽ hình thành diện mạo đẹp cho khu trung tâm và cho cả TP.HCM” - nhiều đại biểu đánh giá tại buổi công bố chính thức đồ án trên do Sở QHKT TP tổ chức ngày 9-5.

Ngầm hóa một đoạn đường Tôn Đức Thắng

Đồ án chia khu vực trung tâm thành năm phân khu: Lõi trung tâm thương mại tài chính; trung tâm văn hóa - lịch sử; khu bờ Tây sông Sài Gòn; khu thấp tầng (là khu dân cư hiện hữu, có nhiều biệt thự từ thời Pháp) và khu lân cận lõi trung tâm. Trong đó phân khu thứ năm được phép xây dựng nhà cao tầng, các ô phố gần nhà ga Bến Thành sẽ được xây cao tối đa 200 m. Ở các ô phố phức hợp và có chức năng ở, chiều cao tối đa của công trình mới bị kiểm soát để tương xứng với công trình hiện hữu.

Theo nguyên tắc chung, tầng cao của các công trình mới sẽ thấp dần để tạo sự cân bằng với những công trình lịch sử. Tuy nhiên, các công trình trong khu vực tái phát triển dọc sông Sài Gòn và gần chợ Bến Thành vẫn được xây cao hơn nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc. Các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn như Ba Son, Tân Cảng, khu cảng Sài Gòn sẽ tập trung phát triển cao tầng để thu hút đầu tư.

Đồ án cũng mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn bằng việc tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ sông. Toàn bộ mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh sẽ dành cho không gian đi bộ và xe điện, đường giao thông được ngầm hóa. Đường Lê Lợi được nối dài từ Nhà hát TP qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận về phía bờ sông. Một số trục đường khác cũng sẽ được nối dài để tạo sự kết nối giữa khu trung tâm cũ với bờ Tây sông Sài Gòn.

Theo ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT, việc nối dài tuyến đường Lê Lợi sẽ làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng của ô phố từ phía sau lưng Nhà hát TP, vốn còn nhiều lộn xộn. “Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn là phân khu rất quan trọng. Khoảng đất trống ở đây sẽ tổ chức được không gian, mảng xanh, đường đi bộ dọc bờ sông kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo sức hút và điểm nhấn cho toàn khu” - ông Toàn đánh giá.

Mở rộng khu trung tâm về phía sông Sài Gòn ảnh 1

Theo đồ án, toàn bộ mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh sẽ dành cho không gian đi bộ. Đường giao thông được ngầm hóa. Ảnh: Sở QHKT

Mở rộng khu trung tâm về phía sông Sài Gòn ảnh 2

Ranh giới quy hoạch (cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Hoàng Sa - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám  - Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - sông Sài Gòn). Ảnh: Sở QHKT

“Thưởng” hệ số sử dụng đất

Hệ số sử dụng đất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc xây dựng và kiến trúc của khu vực trung tâm. Đồ án đưa ra hệ số sử dụng đất trên toàn diện tích xây dựng là 4 và hệ số chung cho toàn khu là 2,3 nhằm đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng lô đất, từng công trình.

Ông Toàn cho biết thêm Sở QHKT đã soạn thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho khu trung tâm hiện hữu. Theo đó, một công trình xây dựng sẽ được cộng thêm hệ số sử dụng đất nếu đáp ứng một trong sáu tiêu chí: cải tạo chỉnh trang đô thị; tạo ra không gian mở (ví dụ: dành đất làm quảng trường, công viên…); có yếu tố bảo tồn; thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng các vật liệu xanh; tiếp cận, kết nối trực tiếp với giao thông công cộng; hình thành công viên trong khuôn viên dự án.

Mỗi tiêu chí trên tương đương với một lần hệ số sử dụng đất. Công trình đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí thì sẽ được cộng thêm bấy nhiêu hệ số. Một công trình thỏa đầy đủ sáu tiêu chí trên sẽ có hệ số sử dụng đất là 10 lần. Dự thảo hiện đã soạn thảo xong, dự kiến sẽ trình TP xem xét trong tháng 5.

Năm phân khu trong khu trung tâm

Phân khu 1: Lõi trung tâm thương mại tài chính được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi. Diện tích: 92,3 ha, dân số dự kiến: 31.800.

Phân khu 2: Trung tâm văn hóa - lịch sử, từ rạch Thị Nghè tới đường Hoàng Sa, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Lê Lai và Lê Thánh Tôn. Diện tích: 212,2 ha; dân số dự kiến: 42.700.

Phân khu 3: Khu bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Sài Gòn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Kênh Tẻ tới sông Sài Gòn. Diện tích: 274,8 ha; dân số dự kiến: Tối đa là 56.490.

Phân khu 4: Khu thấp tầng, từ rạch Thị Nghè, đường Hoàng Sa, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám tới Nguyễn Thị Minh Khai. Diện tích: 232,3 ha; dân số dự kiến: 74.400.

Phân khu 5: Khu lân cận lõi trung tâm, bắt đầu từ đường Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học, Cống Quỳnh, Hoàng Diệu, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành. Diện tích: 117,5 ha; dân số dự kiến: 42.800.

Diện mạo của TP ngày xưa chỉ tập trung tại đường Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ đi dọc xuống khu vực Tân Cảng, Ba Son. Tới đây, Tân Cảng và Ba Son sẽ dời đi, thay vào đó là một cụm đô thị mới hiện đại. Phía bên trong sẽ là khu biệt thự cùng với các khu vực tập trung các giá trị văn hóa, lịch sử của TP. Bài toán còn lại là phải quản lý như thế nào để tạo ra sự hài hòa giữa dự án đang có và các dự án sẽ hình thành.

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm