BV đã tiếp nhận hơn 330 trường hợp người lớn mắc thủy đậu, trong đó có hai trường hợp mắc thủy đậu nặng, một đã tử vong và một xin về theo dõi.
Trường hợp tử vong là một bác sĩ 50 tuổi ở Đồng Tháp được BV FV chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới ngày 26-12 với chẩn đoán suy hô hấp trên bệnh nhân bị thủy đậu. Quá trình điều trị bệnh không giảm nên đã tử vong vào tối 27-12 với chẩn đoán sau cùng là mắc thủy đậu biến chứng viêm phổi, sốc nhiễm trùng.
BV Bệnh nhiệt đới cho biết từ năm 2008 đến nay tại BV không ghi nhận bệnh nhân nào tử vong do thủy đậu.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh thủy đậu (trái rạ) lây qua đường hô hấp, từ trong họng chất tiết người bệnh qua người lành. Bệnh phát triển theo mùa, từ tháng 12 đến tháng 6 hằng năm.
Người càng lớn tuổi, đặc biệt từ 10 tuổi trở lên thì diễn tiến bệnh càng nặng hơn trẻ nhỏ. Biểu hiện khi mắc bệnh là nhức mỏi nhiều, nổi nốt rạ và biến chứng nhiễm trùng huyết từ vết rạ do bội nhiễm, viêm phổi, viêm não, viêm tủy. Người bị bệnh thủy đậu tử vong chủ yếu do viêm não, nhiễm trùng huyết do bội nhiễm da và nó chủ yếu xảy ra ở phụ nữ mang thai và người có các bệnh cơ hội khác do suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong rất hiếm, tại BV Nhi đồng 1 năm, sáu năm nay cũng không có ca nào tử vong.
BS Khanh khuyến cáo những người mắc bệnh thủy đậu cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nhiễm. Bởi có những người bệnh thủy đậu nặng nhưng không biết hoặc bác sĩ cho uống thuốc aspirin sẽ gây ra hội chứng Reys - gây tổn thương gan, não hoặc người uống thêm corticoid sẽ suy giảm miễn dịch.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, chỉ cần tiêm ngừa đủ hai liều vaccine thì khả năng ngừa bệnh trên 90%, nếu mắc bệnh thì rất nhẹ. Người lành tiếp xúc với người bệnh mà chưa tiêm ngừa hoặc chưa từng mắc bệnh thì 80%-90% sẽ mắc bệnh. Do đó người bệnh cần được cách ly, không cho ra cộng đồng, người chăm sóc người bệnh cần mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
DUY TÍNH