Một đề xuất mâu thuẫn!

Thứ nhất, nếu đưa thêm vào Điều 7 Luật Báo chí hiện hành thì quyền truy nguồn tin của chủ thể mới (là thủ trưởng cơ quan điều tra như đề nghị của Bộ Công an) chỉ được thực hiện khi điều tra tội phạm nghiêm trọng, tức là một hành vi có dấu hiệu của loại tội danh có hình phạt từ bảy năm tù giam trở lên. Tuy nhiên, khi đã xác định có căn cứ vững chắc về một hành vi có dấu hiệu tội phạm đến nghiêm trọng trở lên thì đồng nghĩa rằng một vụ án đã được khởi tố, và lúc ấy vai trò VKS đã được thể hiện ở việc phê chuẩn quyết định khởi tố. Do vậy ngay các quy định ở Điều 7 Luật Báo chí hiện hành đã cho phép ông viện trưởng VKS có thể sử dụng quyền hạn quy định trong Luật Báo chí để yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin, nên việc đề xuất thêm chủ thể vào điều này là tự mâu thuẫn.

Thứ hai, với các quyền hạn đang được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh Điều tra hình sự thì các cơ quan điều tra thuộc hệ thống công an nhân dân đang đồng thời tiến hành cả hai khâu trinh sát và điều tra. Để làm sáng tỏ vụ án (hoặc dấu hiệu phạm tội), ông thủ trưởng cơ quan điều tra được sử dụng rất nhiều biện pháp cưỡng chế như khám xét, bắt giữ, hỏi cung, đối chứng, giám định, phong tỏa tài khoản v.v… để chứng minh hành vi tham nhũng. Cơ quan điều tra cũng được quyền sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách (thực chất là tiền thuế của dân) để phục vụ các hoạt động của mình. Trong khi đó báo chí chỉ tiếp nhận thông tin từ người dân, được một số quyền khai thác thông tin nhưng chỉ ở diện công khai. Ngoài ra hoạt động báo chí đưa tin tham nhũng hầu hết đều từ nguồn kinh phí tự có, thực chất là tiền do bạn đọc chi trả thông qua việc mua báo, nên luật hóa việc cơ quan điều tra được quyền sử dụng kết quả lao động của báo chí cũng là tự mâu thuẫn.

Thứ ba,tại Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định “tin báo tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng” là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án, nghĩa là cơ quan tố tụng có thể từ các thông tin báo đăng tiến hành điều tra xác minh nên dù có được quyền truy các nguồn tài liệu mà báo chí sử dụng thì các cơ quan này cũng phải thu thập lại theo đúng trình tự tố tụng thì mới sử dụng làm chứng cứ được. Do đó nếu chỉ dừng ở quyền sử dụng các thông tin báo đăng để hỗ trợ hoạt động tố tụng thì là bình thường nhưng đòi phải cung cấp danh tính nguồn tin lại là tự mâu thuẫn về xác định chứng cứ.

Thứ tư,theo Luật Tố cáo và nghị định hướng dẫn việc bảo vệ người tố cáo thì cách bảo vệ của báo chí đối với người tố cáo chính là giữ bí mật nguồn tin, đặc biệt là những người tố cáo tham nhũng của lực lượng công an. Kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ cảnh sát giao thông là lực lượng tham nhũng nhất. Đòi hỏi báo chí tiết lộ danh tính người tố cáo trong những trường hợp như vậy cũng chính là tự mâu thuẫn.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm