Một điểm ngập ở TP.HCM rộng hơn 31.000 m2

Theo Sở GTVT, mưa bắt đầu tại khu vực quận Thủ Đức và đến khoảng 16-17 giờ thì lan rộng khắp thành phố, cho đến 21 giờ 30. Mưa gây ngập cho 72 tuyến đường và các điểm ngập có diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 m2. Trong đó, các tuyến đường ngập nặng nhất là Nguyễn Hữu Cảnh (0,6 m), Kinh Dương Vương (0,5 m), Gò Dưa, Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương...

Theo Sở GTVT, các tuyến cống thoát nước của TP được thiết kế, xây dựng ứng với nước triều là 1,32 m và cống cấp 1 cũng “chịu được” mưa cao nhất chỉ gần 96 mm. “Trong khi hôm 15-9 vừa qua mưa lớn (92 đến 142 mm), triều dâng 1,4 m. Cả hai yếu tố này đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện hữu của thành phố” - đại diện Sở GTVT nhận định.

 
Những điểm ngăn triều bị lấy mất van. Ảnh: CTV

Sở GTVT cho biết sẽ thực hiện các giải pháp tạm thời như vệ sinh, nạo vét… để nâng cao hiệu quả thu nước, không để tình trạng nghẹt miệng thu nước trên đường, đồng thời tăng cường việc trực mưa, tổ chức ứng cứu trong mưa (bơm di động hỗ trợ, mở nắp hầm ga...) để giảm ngập. Về lâu dài, Sở GTVT cho rằng cần nạo vét các sông, kênh rạch trên địa bàn nhằm tăng dung tích trữ nước, tăng khả năng thoát nước. “Trước mắt, trung tâm chống ngập cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tám cống ngăn triều, gồm Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, và rạch Nước Lên để hạ nước triều tại các cửa sông lớn theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được duyệt” - Sở GTVT đề nghị.

Ở giải pháp lâu dài, báo cáo của Sở GTVT cũng đồng tình với việc nhanh chóng hoàn tất quy hoạch và xây dựng hồ điều tiết phân tán, tập trung để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị các sở Quy hoạch Kiến trúc, sở GTVT và Xây dựng khi lập quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng công trình theo lĩnh vực quản lý phải có trách nhiệm bảo vệ, gia tăng diện tích mảng xanh và tăng diện tích thấm nước ở các công trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm