Sớm thành lập vào năm 2001, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII) đến nay CII khá tên tuổi trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương thức hợp đồng BOT, BT, thực hiện thu phí giao thông đường bộ, đầu tư và quản lý các công ty con, công ty liên doanh, liên kết.
Hiện CII có 9 công ty con và 3 công ty liên kết trực tiếp cùng một số đơn vị liên kết gián BOT, chủ yếu tập trung tại mảng đầu tư xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, năm 2018 khi Chính phủ ra thông báo tạm dừng thanh toán các dự án BT, chưa kể dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng chậm tiến độ so với kế hoạch do vướng vay vốn ngân hàng, kết quả những gì CII nghĩ “đã nắm chắc trong tay” đều không đạt được.
Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 18-4, ông Lê Quốc Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CII – phân trần: “Chưa có đại hội nào mà buồn rười rượi như đại hội này. Và cũng chưa có đại hội nào nóng như đại hội hôm nay”.
Do ảnh hưởng của các quyết định liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT nên trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết. Kết quả, dòng tiền Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng tính đến cuối năm 2018 âm 827 tỉ đồng (so với mức 565,5 tỷ cuối năm ngoái). Kết quả kinh doanh cũng không đạt kế hoạch, các dự tính trước đó đều bị phá vỡ.
Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa được thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng - Ảnh K.CƯỜNG
Bước sang năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.400 tỉ đồng và lãi ròng 717 tỷ đồng (sau khi trừ lợi thế thương mại), tăng trưởng cao so với thực hiện năm 2018. Kế hoạch trên được đặt ra trong bối cảnh những vướng mắc pháp lý từ các dự án BT đến BOT đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên ban lãnh đạo CII vẫn ra điều kiện “kế hoạch lợi nhuận chỉ có thể hoàn thành nếu không xảy ra tình huống thay đổi chính sách theo hướng bất lợi so với tình hình hiện nay”.
Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần của CII đạt 2.686 tỉ đồng, thực hiện được 46% kế hoạch năm. Tương ứng mức lãi ròng 95 tỉ đồng, chỉ đạt 8% chỉ tiêu và bằng 6% so với con số thu về trong năm 2017.
Ngày 28-3-2018, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Sau đó vào ngày 28-12-2018, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP, việc thanh toán của các hợp đồng BT được ký kết trước ngày 1-1-2018 vẫn tiếp tục thực hiện. |