'Mua' lại Phòng công chứng nhà nước với giá 1,8 tỉ đồng

Đây cũng là mô hình chuyển đổi thành công phòng công chứng sang Văn phòng công chứng đầu tiên trên cả nước. Như vậy sau hơn 20 năm tồn tại, Phòng công chứng số 2 (Lâm Đồng) chính thức chấm dứt hoạt động.
Sở dĩ có sự chuyển đổi này là do thực hiện theo quy định chuyển đổi Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng theo Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29/2015.
Theo ông Vũ Ngọc Thành, quá trình chuyển đổi có thuận lợi là nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả từ các sở, ngành liên quan và sự đồng thuận của đa số đảng viên, công chức, viên chức, người lao động…
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn, vì đây là mô hình làm thí điểm và chưa có địa phương nào trên cả nước thực hiện.
Cụ thể, khó khăn đầu tiên là nhận thức của công chứng viên, viên chức, người lao động về chủ trương chuyển đổi còn nhiều tâm tư, ý kiến trái chiều, do sợ công việc bấp bênh sau chuyển đổi, sợ việc giải quyết chế độ không thỏa đáng…
Khó khăn thứ hai là Nghị định 29/2015 còn có những vấn đề bất cập như: cách tính giá quyền nhận chuyển đổi còn khá chung chung, định tính và thiếu căn cứ tính toán giá; việc quy định buộc văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của phòng công chứng được chuyển đổi còn thiếu tính khả thi vì không có chế tài áp dụng. Ngoài ra, việc quy định phải đấu giá đối với những Phòng công chứng có giá quyền nhận chuyển đổi lớn nhưng không quy định mức bao nhiêu được coi là có giá trị lớn cũng dẫn đến lúng túng.
Thứ ba là khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi chuyển đổi, làm sao bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của họ, đảm bảo họ tiếp tục có việc làm, thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, công chứng viên, viên chức, người lao động đã đồng thuận cao với phương thức chuyển đổi là giao cho chính họ được nhận lại quyền chuyển đổi Phòng công chứng nơi họ đang làm việc với giá trị nhận chuyển đổi phù hợp. Điều này đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục được đồng hành trong môi trường mới trên một nền tảng thương hiệu, uy tín đã có do chính họ tạo dựng nên.
Riêng trụ sở của Phòng công chứng số 2 được đề xuất cho Văn phòng công chứng Lê Trung Kiên nhận chuyển đổi thuê lại với giá ưu đãi trong thời gian dài.
“Việc chuyển đổi thành công Phòng công chứng số 2 trong tổng số năm phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chấm dứt sự bao cấp của Ngân sách Nhà nước cấp cho đơn vị này mỗi năm gần nửa tỉ đồng, giảm được bảy biên chế, thu về cho ngân sách 1,8 tỉ đồng” - ông Thành nói.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Huy Trường (Trưởng phòng công tác Hành chính Tư pháp - Bổ trợ tư pháp, Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp) cho biết thêm: “Hiện tại khu vực phía Nam có hai địa phương TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh phê duyệt đề án cho chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng. Trong đó, Cần Thơ hiện có hai Phòng công chứng đều đã được phê duyệt đề án cho chuyển đổi sang văn phòng công chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm