Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ bắt đầu từ khi nào?

(PLO)- Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-5, Trung tâm Động lực học Thủy khí môi trường (CEFD) cùng Trường đại học Khoa học Tự nhiên và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết công tác dự báo phục vụ vận hành hồ chứa thông minh 2023-2024.

Tình hình mưa và nắng nóng sắp tới sẽ ra sao?
Hội thảo tổng kết công tác dự báo phục vụ vận hành hồ chứa thông minh 2023-2024. Ảnh: AT

Hội thảo nhằm sẽ chia sẻ về hệ thống dự báo Khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa thông minh. Đồng thời, báo cáo kết quả đánh giá công tác dự báo nghiệp vụ năm 2023 và đưa ra những nhận định, phân tích xu hướng, biến động của thời tiết và khí hậu trong mùa mưa năm 2024.

Mưa ở Nam Bộ xuất hiện muộn

Báo cáo tình hình thời tiết cả nước năm 2024, Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mùa mưa khu vực Bắc Bộ xuất hiện (tháng 5) tương đương trung bình nhiều năm (TBNN). Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu từ nửa cuối tháng 5 (muộn hơn so với TBNN).

Từ tháng 6 đến tháng 8 tổng lượng mưa cả nước phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, riêng tháng 6 tổng lượng ở khu vực thượng và trung lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn từ 5-15% so với TBNN cùng thời kỳ.

Tháng 9 và tháng 11, tổng lượng mưa cả nước phổ biến cao hơn từ 5-30% so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 10, khu vực thượng lưu sông Mê Kông, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, khu vực trung và hạ lưu sông Mê Kông, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với TBNN cùng thời kỳ.

Liên quan nắng nóng tại Bắc Bộ sẽ tiếp tục xuất hiện từ nay đến tháng 7 và đến tháng 8 ở Trung Bộ hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN.

Ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn tiếp tục xuất hiện từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7. Từ tháng 6 đến tháng 9, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Công nghệ tăng cường độ chính xác cho bản tin dự báo

Tại hội thảo, ông Đặng Đình Đức, Trưởng phòng Dự báo và Mô hình hoá, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường cũng đã giới thiệu hệ thống dự báo khí tượng thủy văn hỗ trợ vận hành hồ chứa thông minh.

Tình hình mưa và nắng nóng sắp tới sẽ ra sao?
Công trình thủy điện Lai Châu. Ảnh: AT

Theo ông Đức, việc khai thác thông tin dự báo để tối ưu hóa năng lượng, thị trường điện là vấn đề quan trọng, có tiềm năng gia tăng giá trị kinh tế nguồn nước. Do đó, việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nói chung và phục vụ vận hành hồ chứa nói riêng hết sức cấp thiết.

Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa thông minh gồm ba thành phần: hệ thống dự báo khí tượng, hệ thống dự báo thủy văn và hệ thống công cụ tích hợp hỗ trợ ra quyết định.

Thời gian qua, hệ thống dự báo, cảnh báo đã được xây dựng thành công cho tám lưu vực lớn ở Việt Nam, trong đó bốn lưu vực đang được dự báo nghiệp vụ. Kết quả đánh giá dự báo nghiệp vụ cho thấy các bản tin có chất lượng với độ tin cậy cao, kịp thời, đảm bảo phục vụ trực tiếp cho vận hành các hồ chứa đa mục tiêu.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành hồ chứa với quy mô chi tiết cho từng lưu vực, từng hồ chứa cho toàn bộ Việt Nam. Cập nhật, tích hợp thêm các công nghệ tiên tiến của quốc tế (kỹ thuật đồng hóa, AI,..) để tăng cường độ chính xác cho các bản tin dự báo, ông Đức chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm