Mua nhà giấy tay, sau 10 năm vẫn bị cưỡng chế

(PLO)- Nhà xây không phép, bán cho người khác gần 10 năm vẫn bị cưỡng chế tháo gỡ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gửi thông tin đến PLO chị Nguyễn Thị Thùy Dương (ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết gần 10 ngày nay gia đình chị rơi vào cảnh vô gia cư vì căn nhà mà gia đình chị mua cách đây gần 10 năm đã bị UBND xã Vĩnh Lộc A thực hiện cưỡng chế tháo gỡ.

Nhà mua gần 10 năm bị cưỡng chế

Chị Dương cho biết khoảng cuối năm 2014, do đang có nhu cầu về nhà ở nên chị đã tìm mua một căn nhà không số tại hẻm 2B, tổ 1, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh của ông Nguyễn Quang Mạnh bán bằng giấy tờ tay, không qua công chứng.

Căn nhà chị mua là nhà cấp 4, có diện tích hơn 72 m2 thuộc thửa 197, được ông Mạnh xây dựng từ tháng 6-2014. Đồng thời, căn nhà xây dựng trên phần đất nông nghiệp do một người khác đứng tên, đã được sang nhượng bằng giấy tay qua nhiều đời chủ và chị là người mua cuối cùng.

Sau khi thanh toán tiền cho ông Mạnh, gia đình chị Dương đã nhận nhà và chuyển về đây sinh sống.

Năm 2016, cả gia đình chị đã đăng ký tạm trú tại căn nhà trên, tuy nhiên do căn nhà giấy tờ tay nên công an xã chỉ ghi nhận đăng ký tạm trú chứ không được cấp sổ tạm trú.

Đến khoảng tháng 8-2023, UBND xã đã đến nhà bà Dương lần lượt dán biên bản vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế trước cửa căn nhà.

Cụ thể, biên bản vi phạm hành chính đối với căn nhà trên được UBND xã lập vào ngày 3-8. Biên bản xác định thời điểm ông Mạnh vi phạm vào tháng 6-2014.

Quyết định cưỡng chế ghi tên người vi phạm là ông Nguyễn Quang Mạnh, được UBND xã ban hành ngày 30-8.

Đến ngày 9-2023, UBND xã Vĩnh Lộc A có đến dán thông báo cưỡng chế căn nhà chị Dương với nội dung yêu cầu ông Mạnh phải thực hiện tự tháo dỡ căn nhà, thời gian tự tháo dỡ là đến hết ngày 24-10-2023.

Chị Dương cho hay, sau khi nhận được thông báo trên chị đã có phản hồi lại và đề nghị xem xét lại việc cưỡng chế. Bởi theo chị căn nhà của chị nằm tại vị trí thuộc khu dân cư hiện hữu , hiện không tranh chấp với ai. Đồng thời, thời điểm vi phạm là trước ngày 1-7-2014.

Tuy nhiên, UBND chưa có buổi làm việc nào với chị Dương mà ngày 25-10 đoàn cưỡng chế đã tháo gỡ toàn bộ căn nhà không cho chị Dương có thời gian sắp xếp chuyển đi chỗ ở mới .

nha-xay-khong-phep-bi-cuong-che.jpg
Căn nhà của chị Dương bị cưỡng chế ngày 25-10. Ảnh: VÕ HÀ

“Gia đình tôi làm nghề lao động chân tay, bao nhiêu năm tích góp vẫn không đủ tiền để mua căn nhà. Vì mong muốn có căn nhà của riêng mình, cho các con tôi cuộc sống tốt hơn, được học hành ổn định nên tôi đã chấp nhận mua căn nhà giấy tờ tay này giá rẻ hơn nhà có giấy tờ.

Nào ngờ gia ở ổn định đến tận gần 10 năm, nay nhà lại bị cưỡng chế. Giờ thì tôi mất trắng, nhà cũng chẳng còn, tôi rất hoang mang và không biết sắp tới cả gia đình tôi sống như thế nào. Tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn tôi thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất, để tôi có thể xây lại căn nhà theo đúng quy định của pháp luật”- chị Dương chia sẻ.

Muốn xây lại nhà phải đáp ứng đủ điều kiện

Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cho biết công trình xây dựng không số tại tổ 1, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A do ông M là chủ đầu tư. UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông M.

Hành vi vi phạm của ông M là vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Do đó, quá trình lập hồ sơ xử lý ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế tháo dỡ là đúng quy định pháp luật.

“Vì căn nhà trên xây dựng không phép trên đất nông nghiệp; chị Dương không phải là chủ sở hữu hợp pháp khu đất vì mua bán bằng giấy tay không đúng với quy định pháp luật,… nên việc xem xét để tồn tại căn nhà theo yêu cầu của chị Dương là không có cơ sở.
Để được sở hữu hợp pháp phần đất trên, chị Dương cần phải liên hệ với chủ sở hữu phần đất và đến cơ quan có thầm quyền thực hiện thủ tục mua bán theo quy định. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Dương phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở và xin giấy phép xây dựng nhà ở…Tuy nhiên, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin giấy phép xây dựng thì tại thời điểm người dân yêu cầu, khu đất phải phù hợp với quy hoạch”- vị lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho hay.

Nhà xây trên đất nông nghiệp có được phép tồn tại

Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất được phân loại gồm 3 nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.

Việc xây dựng nhà ở chỉ được phép đối với đất phi nông nghiệp (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị).

Theo Điều 6 và Điều 170 Luật Đất đai, người sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

Như vậy, với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp nhưng người sử dụng đất lại xây dựng nhà ở là trái với quy định của pháp luật về đất đai.

Khoản 1 Điều 84 Nghị định 16/2022 quy định đối với một số trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng và công trình vi phạm được phép tồn tại nếu đáp ứng đủ sáu điều kiện.

Tuy nhiên, hành vi xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp không thuộc trường hợp được phép tồn tại đối với công trình vi phạm.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm