Ngày mai, mùng 10 Tết, được xem là ngày vía Thần Tài. Trong ngày này, nhiều người có xu hướng mua vàng để cầu mong một năm thật hanh thông, và may mắn.
Thực tế, trong 3 năm gần đây, ngày vía Thần tài luôn là thời điểm đẩy giá vàng SJC vọt cao. Điển hình, ngày vía Thần Tài 2023, giá vàng SJC lần đầu tiên vượt mốc 67 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, nguồn cung vàng SJC hiện đang rất khan hiếm thì chỉ cần một lượng cầu lớn trong một thời điểm là đủ đẩy giá vàng lên cao.
Hiện giá vàng SJC vẫn đang duy trì vùng giá 78 triệu đồng/lượng và ngày càng cách xa giá vàng thế giới từ 18-19 triệu đồng tuỳ thời điểm. Và khi điểm nghẽn của vàng SJC - vấn đề thiếu nguồn cung và tính độc quyền - chưa được giải quyết thì áp lực tăng giá vào ngày vía Thần Tài là không nhỏ.
Nhưng qua thời điểm cầu mua tăng đột biến, sau ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC như nhiều năm qua thường có xu hướng quay đầu giảm.
Hiện tại, chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng SJC đã lên mức 2,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu mua và bán theo kiểu lướt sóng thì người mua vàng sẽ bị lỗ hai lần.
Nhưng nếu mua theo kiểu đầu tư dài hạn, thì người mua vàng có thể lợi hơn, do vàng có xu hướng tăng giá theo thời gian, hoặc ít nhất là có thể đợi thời điểm vàng tăng giá cao hơn mức đã mua vào để hiện thực hóa lợi ích đó.
Chẳng hạn, ngày vía Thần tài 2023 với giá vàng SJC leo lên đỉnh 67 triệu đồng, người mua nắm giữ đến cuối năm 2023 thì đã thấy thời điểm giá vàng tăng kỷ lục lên 80,3 triệu đồng/lượng.
Dù vậy, ngay cả chiến lược đầu tư lâu dài thì rủi ro về chính sách với vàng trong thời gian tới là tiềm ẩn. Thủ tướng Chính phủ mấy ngày trước đã ra Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024.
Một trong những nội dung quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I-2024.