Mức phạt tăng, giám sát chặt chuyện ‘cưa đôi’ với CSGT

Nghị định 100/2019 đã có hiệu lực một tuần và vẫn đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Việc nâng mức phạt lên nhiều lần, đặc biệt là nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn khiến nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ.

Theo đó, với ô tô mức phạt cao nhất cho hành vi vi phạm nồng độ cồn lên tới 30-40 triệu đồng, xe máy lên tới 6-8 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Lo ngại “cưa đôi” vì phạt quá cao

So với Nghị định 46/2016, mức phạt của Nghị định 100/2019 cao gấp hơn hai lần, đặc biệt là việc sửa đổi theo hướng người điều khiển xe máy chỉ cần có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm, thay vì phải từ 0,25 mg/lít khí thở như trước đây.

Việc tăng mức phạt như trên phần lớn nhận được sự ủng hộ của dư luận, bởi đây sẽ là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng điều khiển xe khi sử dụng rượu, bia. Dù vậy, một số ý kiến còn bày tỏ lo ngại vì tiền phạt quá cao sẽ khiến phát sinh việc người vi phạm và CSGT “cưa đôi”.

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết đã có các biện pháp để giải quyết lo ngại trên.

Cụ thể, Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an có những giải pháp về mặt thể chế, trong đó quy định chặt chẽ quy trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT. Đặc biệt, ngành công an cũng đang xây dựng một thông tư (dự kiến ban hành trong quý I-2020) về quy trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT đường bộ nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch.

Hoặc gần đây nhất, Bộ Công an cũng ban hành thông tư về thực hiện quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó quy định công khai quy trình tuần tra, kiểm soát của CSGT để người dân nắm bắt, giám sát.

Thông tư này cụ thể hóa các hình thức giám sát của người dân từ trực tiếp cho đến thông qua phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình trên cơ sở theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, cục còn tham mưu bộ trưởng ban hành Chỉ thị 01 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lực lượng công an nhân dân, yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị CSGT phải gương mẫu, thực hiện nghiêm lễ tiết tác phong, phòng tránh tiêu cực. Nếu xảy ra sai phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

“Lực lượng công an nhân dân nói chung và CSGT nói riêng rất kiên quyết với các hoạt động phòng ngừa sai phạm tiêu cực và ứng xử có văn hóa, đúng điều lệnh nghiệp vụ trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhân dân” - Thượng tá Nhật nhấn mạnh.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của tài xế H. Ảnh: TP

Máy đo hiển thị rõ chỉ số nồng độ cồn, khi tài xế không vi phạm thì máy hiển thị “Không có cồn”. Ảnh: TP

Sử dụng máy đo tiệm cận với quốc tế

Theo Thượng tá Nhật, từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, nhiều trường hợp vi phạm bị “choáng” vì số tiền phạt rất cao. Dù vậy, cơ bản hầu hết người vi phạm đều chấp hành. Một số người rất hối hận và nói nếu cho thời gian quay ngược trở lại sẽ lựa chọn không uống rượu, bia.

Bên cạnh đó thì còn một số khó khăn khi người vi phạm có hành vi, lời nói, cử chỉ không chuẩn mực khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Có trường hợp gọi điện thoại giả danh lãnh đạo cấp vụ của Bộ GD&ĐT, hoặc bỏ phương tiện rồi rời đi để trốn tránh việc kiểm tra vi phạm…

Tuy nhiên, để xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã chủ động tốt nhất về cả con người cũng như phương tiện.

Hiện nay, việc kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng CSGT toàn quốc đều theo kinh nghiệm quốc tế. Thiết bị đo nồng độ cồn đa số được sản xuất tại Úc, đều có chế độ đo thụ động và chủ động, dải đo từ 0 đến 3 mg/lít khí thở, tức là vượt rất xa mức cao nhất 0,4 mg/lít khí thở quy định trong luật.

Các máy đo này cũng đã được kiểm định bởi Tổng cục Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN, hoàn toàn đảm bảo quy định pháp luật và cho kết quả chính xác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở, sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước.

Tài xế sẽ thổi vào ống thổi dài khoảng 5 cm, to bằng đầu đũa. Kết quả được hiển thị ngay trên màn hình điện tử, người vi phạm có thể nhìn thấy. Máy cũng sẽ in ra thông số chi tiết của người vừa được kiểm tra. Trong trường hợp không có vi phạm, máy sẽ hiển thị kết quả “Không có cồn”.

Về việc thổi vào máy đo, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội khẳng định các ống thổi luôn đảm bảo vệ sinh cho mọi người. Mỗi người sẽ thổi một ống thổi khác nhau, không lo bị ảnh hưởng.

Nồng độ cồn quá ngưỡng, cầu cứu “người thân”, bị CSGT từ chối

Tối 6-1, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019.

Tại phố Lý Thường Kiệt, lực lượng CSGT phát hiện ông H. có biểu hiện sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe máy nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế này lên tới 0,627 mg/lít khí thở, vượt ngưỡng vi phạm cao nhất trong quy định.

Ông H. xin vài phút gọi điện thoại cho người thân. Sau một hồi gọi điện thoại, ông H. tiến lại gần một chiến sĩ CSGT và “nhờ anh nghe máy nói chuyện mấy câu” nhưng chiến sĩ này kiên quyết không nghe máy. Vị CSGT này nói: “Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu CSGT ra đường không nghe điện thoại”.

Nhiều lần đề nghị tổ công tác nghe điện thoại của “người thân” mà không được, sau gần 1 giờ đồng hồ, tài xế mới chịu ký vào biên bản vi phạm.

Theo tổ công tác, với lỗi vi phạm nồng độ cồn vượt mức cao nhất, ông H. bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ xe bảy ngày.

Thiếu tá Ngô Duy Quang (cán bộ Đội CSGT số 1) cho biết: “Mọi người đều công bằng trước pháp luật, không có vùng cấm, không ai có thể can thiệp vào việc kiểm tra cũng như xử lý của lực lượng chức năng”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới