Muốn chuyển đổi số hãy bắt đầu từ thay đổi tư duy

(PLO)-  Các chuyên gia khẳng định muốn chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần bắt đầu từ nguồn lực con người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Mong đợi và năng lực cho chuyển đổi số làm sao để không lỗi nhịp” do Skale kết hợp cùng Le&Associates, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club đồng tổ chức, các chuyên gia khẳng định việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) cần bắt đầu từ con người.

Con người đóng vai trò then chốt

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty giải pháp nhân sự L&A, nhận định để quá trình chuyển đổi số trong tổ chức diễn ra thuận lợi và hiệu quả thì con người đóng vai trò then chốt. Việc chuyển đổi số này bao gồm việc chuyển đổi năng lực của tổ chức, của con người và của chức năng vận hành quản trị nhân sự.

Bà Mỹ Lệ nhận định, những lý do khiến cho DN thất bại khi ứng dụng công nghệ là thiếu năng lực triển khai, thiếu công nghệ quản trị nhân lực chỉnh chu, quan trọng nhất là thiếu hiểu biết về công nghệ. Do đó điều cần thiết khi chuyển đổi số là phải xây dựng được khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo.

Cùng quan điểm, bà Trần Phương Ngọc Thảo, Giám đốc chuyển đổi số hóa Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, chuyển đổi số muốn thành công phải đi từ nhận thức và sự hiểu biết của người lãnh đạo.

Theo đó người lãnh đạo cần nắm bắt được xu thế mới và nhận định được nó ảnh hưởng ra sao đến DN và môi trường kinh doanh trong tương lai. Từ đó nắm bắt cơ hội, lựa chọn hạng mục đầu tư đúng cách và giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển đổi số.

So sánh việc chuyển đổi số kinh doanh giữa công nghệ và con người như chân trái và chân phải, bà Thảo nhấn mạnh khi hai yếu tố này cần nối tiếp và liền mạch nhau. “Khi đội ngũ được nâng tầm và biết ứng dụng công nghệ thì chính họ sẽ đưa ra các yêu cầu mới, và chúng ta tiếp tục đầu tư. Theo tiến trình này chuyển đổi số sẽ lan tỏa theo mô hình kim tự tháp từ lãnh đạo tới nhân viên, từ đó mới khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số”- bà Thảo chia sẻ.

Dưới góc nhìn của công ty công nghệ, Bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc Nhân sự công ty VNTT, bổ sung thêm rằng chuyển đổi số cần một nguồn nhân lực chất lượng hơn là ổn định.

Bởi tốc độ phát triển công nghệ ứng dụng rất nhanh và chúng ta cần nhân sự phải đáp ứng tốt và phù hợp với mục tiêu của DN. "Quá trình chuyển đổi số tạo nên sự thay đổi về văn hóa làm việc"- bà Linh nói.

Để chuyển đổi số trong doanh nghiệp hãy bắt đầu từ con người. ẢNH: THU HÀ

Để chuyển đổi số trong doanh nghiệp hãy bắt đầu từ con người. ẢNH: THU HÀ

Làm gì để không bị lỗi nhịp?

Cũng đánh giá cao vai trò của lãnh đạo trong chuyển đổi số, ông Trương Bình Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT SKALE, nhấn mạnh nếu nghĩ chuyển đổi số là công nghệ đi trước, thì sẽ tạo nên rào cản rất lớn, ngược lại tập trung chuyển đổi tư duy của lãnh đạo mới là điều quan trọng.

Cũng theo vị này, nguyên nhân khiến DN lỗi nhịp trong chuyển đổi số phần lớn vẫn là ở cán bộ quản lí cấp trung. "Trên thực tế đội ngũ ở thế hệ cũ sẽ bắt nhịp chậm hơn so với nhân viên trẻ, những vấn đề tiên tiến cũng không nhanh bằng. Do đó để đi đúng nhịp cần cải thiện năng lực đội ngũ này với những giải pháp công nghệ đơn giản, nâng cấp theo từng cấp độ"- ông Nguyên cho biết.

Với kinh nghiệm giải quyết vấn đề này, ông Đặng Hoàng Nam, Trưởng ban đầu tư, Quản lý phát triển kinh doanh thị trường quốc tế Bestmix, cho rằng đã có trường hợp cấp quản lý, lãnh đạo không thể theo kịp quá trình chuyển đổi số, nhất là những người lớn tuổi.

Do đó việc áp dụng một phần mềm hỗ trợ tương thích, thân thiện là điều cần thiết, bởi không nên gây thêm gánh nặng cho nhân sự, để họ nhanh chóng đáp ứng và vận hành nhanh nhất. Lãnh đạo phải đi làm việc cùng họ để thiết kế quy trình và chứng minh được sự khác biệt mà công nghệ mang lại và nâng tầm nhân sự bằng các phần mềm đơn giản.

Trong khi đó, theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, để quá trình chuyển đổi số không bị lỗi nhịp cần có tiếng nói chung giữa công nghệ và con người. Và quan trọng nhất là cần phải cho người lao động thấy lợi ích, quyền lợi của họ khi tham gia chuyển đổi số đó.

Song song với đó, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO nhấn mạnh, khi bắt đầu chuyển đổi số DN cần phải xác định được mục tiêu, và bài toán về hiệu quả khi ứng dụng công nghệ nào đó, điều này rất quan trọng nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.

“Chuyển đổi số hiệu quả là khi chúng ta nội soi được DN và đưa ra những chiến lược đúng đắn. Công nghệ hiệu quả là khi chúng ta định lượng tốt giá trị nhân lực, thấy được bộ phận nào tốt và bộ phận nào yếu kém để đưa ra những giải pháp tốt nhất và mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh” - ông Nguyên cho hay.

Cũng theo ông Nguyên, nếu DN cực đoan quá với chuyển đổi số dẫn đến đầu tư dàn trải sai với quy mô công ty thì vừa tốn nguồn lực, thời gian mà lại không đạt kết quả tốt.

Còn với ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Công ty Đông A Solutions, khuyến nghị rằng đừng nghĩ rằng chuyển đổi số là cái gì quá to tát, hãy nghĩ rằng DN đang có vướng mắc gì, vấn đề "nhức đầu" nhất ở đây là gì, và cái gì tạo ra nhiều hiệu quả nhất cho DN.

"Khi tìm ra được những vấn đề trên thì việc giải bài toán sẽ trở nên dễ dàng hơn"- ông Việt nói.

Khảo sát của MIT Centker for Digital Business cho thấy, doanh nghiệp đã thực sự chuyển đổi số đạt lợi nhuận cao hơn 26% với mức trung bình của các đối thủ trong cùng lĩnh vực và có giá trị thị trường cao hơn 12%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm