Công ty cổ phần Fado Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong về thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới và trở thành đối tác ủy quyền của sàn giao dịch Alibaba. Tính đến nay, Fado đã trợ giúp các công ty Việt xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm “Made in Viet Nam” đến hàng triệu đối tác mua hàng tại hơn 190 quốc gia.
Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng giám đốc Fado Việt Nam, nhận xét: “Rất nhiều nhà kinh doanh Việt muốn phát triển thương hiệu trên sàn TMĐT, xem đây là kênh xuất khẩu chủ đạo. Tuy nhiên, thống kê cho thấy hiện chỉ có khoảng 8% công ty Việt thực sự đầu tư cho kênh TMĐT xuyên biên giới, phần còn lại chỉ dừng lại ở việc mở gian hàng trong khi tiềm năng của kênh này rất lớn”.
Nhiều nhà kinh doanh đang rao vặt trên sàn
. Phóng viên: Vì sao chỉ có khoảng 8% công ty Việt thực sự đầu tư cho kênh TMĐT xuyên biên giới, thưa ông?
+ Ông Phạm Tấn Đạt: Do họ nghĩ chỉ cần mở gian hàng trên các sàn thì có thể bán được hàng, mà không hiểu rằng mở gian hàng chỉ là bước khởi đầu như là mở một ki-ốt trong chợ. Nghĩa là họ nghĩ bán trên sàn TMĐT cũng như bán ở chợ!
Từ suy nghĩ đó, sau khi mở gian hàng, các doanh nghiệp (DN) có tư tưởng chờ đợi thành công đến một cách thụ động. Và khi không có giao dịch, họ không quan tâm chăm sóc gian hàng nữa, mà cứ để nó như là một… kênh rao vặt.
Mặt khác, từ trước tới nay các DN Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu tại chỗ, xuất khẩu qua trung gian nên có tư duy chỉ muốn tìm người mua hàng, chứ không muốn xây dựng thương hiệu và kênh bán hàng; chưa đầu tư nguồn lực vào khâu xúc tiến quảng bá sản phẩm của mình. Trong khi đó xây dựng, quản trị gian hàng, xúc tiến sản phẩm, nghiên cứu thị trường, khách hàng trên TMĐT mới là công việc chính tác động tới hiệu quả bán hàng và kinh doanh.
. Theo quan sát, ông thấy các công ty Việt có những điểm yếu nào về TMĐT?
+ Hạn chế lớn nhất của DN vừa và nhỏ là về tư duy và kiến thức so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay chỉ có các công ty thương mại biết ứng dụng TMĐT trong kinh doanh. Còn đơn vị sản xuất chưa quan tâm dùng TMĐT để xúc tiến, xây dựng thương hiệu lẫn bán hàng.
. Nhiều đơn vị cho rằng vừa sản xuất vừa phân phối trên sàn TMĐT phải đầu tư nhiều, tốn nhiều chi phí và chi phí ship quá cao. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Các thách thức trên vốn dĩ đã có trong xuất khẩu truyền thống rồi. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay không có DN nào có thể giữ riêng thị trường cho mình mãi mãi. Để giải quyết vấn đề trên thì không có cách nào khác là phải tự gia tăng cơ hội bán hàng của mình mà TMĐT xuyên biên giới là một kênh trong nhiều kênh xuất khẩu hiệu quả.
Ông Phạm Tấn Đạt: “Muốn xây dựng kênh bán hàng online, doanh nghiệp cần phải đầu tư con người, thời gian, công sức…”. Ảnh: TÚ UYÊN
Nên phát triển các sản phẩm độc đáo Việt Nam
. Hiện nay, các DN trong ngành hàng đồ nội thất, gia vị, nước trái cây… đã tìm được đối tác với doanh thu cả tỉ USD mỗi năm thông qua sàn. Vậy đâu là ngành hàng tiềm năng của Việt Nam trên kênh này, thưa ông?
+ Trên các sàn TMĐT hầu hết các danh mục mặt hàng đều có thể giao dịch được. DN nên bắt đầu bằng cách tận dụng thị trường ngách, xem xét các mặt hàng trên từng thị trường mà Việt Nam có ký hiệp định thương mại tự do để khai thác lợi thế khi các rào cản thương mại đã dỡ bỏ.
Với các DN vừa và nhỏ nên bắt đầu bằng các nghiên cứu, phát triển những mặt hàng độc đáo, khác biệt do điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, thiên nhiên mang lại cho sản phẩm. Những mặt hàng như trầm hương, dược liệu hoặc những mặt hàng cần tay nghề của nhân công như sứ có men cao cấp, tranh sơn mài, tre đan…Việt Nam đang có lợi thế.
Hỗ trợ sản phẩm chất lượng cao của VN Fado Việt Nam hỗ trợ những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tiến vào thị trường quốc tế thông qua sàn giao dịch Alibaba.com, mở rộng con đường xuất khẩu hàng Việt. Chúng tôi cũng đồng hành, tư vấn, nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm trực tuyến... để hỗ trợ các DN. Ngoài ra còn đào tạo, phổ cập các kiến thức thương mại quốc tế, logistics để có thể xuất khẩu trực tiếp tới tận công ty của người nhập khẩu. Ông PHẠM TẤN ĐẠT, Tổng giám đốc FadoViệt Nam |
. Đối với các DN đã có tài khoản trên sàn TMĐT làm thế nào để bán thành công?
+ Giống như bạn mở một cửa hàng truyền thống, nếu không có nhân viên trông coi, bán hàng thì không thể có doanh số. TMĐT cũng thế nhưng phức tạp hơn cửa hàng truyền thống nên đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng hơn, nhân viên vận hành phải am hiểu về hệ thống TMĐT mới có thể khai thác hết những ưu việt, thế mạnh của nó.
Khi làm được điều này sẽ giúp DN tăng trưởng đột phá, tạo ra doanh số gấp nhiều lần so với cửa hàng truyền thống trong thời gian ngắn.
. Bán hàng xuyên biên giới mang lại lợi ích nhưng cũng có những rủi ro cho người bán và trở ngại cho cơ quan quản lý?
+ Rủi ro trong kinh doanh lúc nào cũng có, bất kể ngành nghề hay kênh bán hàng nào. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng 30%-35%/năm. Phát triển TMĐT xuyên biên giới sẽ trở thành xu hướng tất yếu nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Nhưng thông qua sàn TMĐT, người bán sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu chính ngạch, giúp giảm thiểu được những hạn chế trong việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch vì dễ bị ép giá, thiếu ổn định. Điều này gây thiệt hại cho DN cũng như Nhà nước thất thu thuế.
. Xin cám ơn ông.
Nhiều công ty tìm được hợp đồng khủng nhờ chợ mạng Nhiều DN cho biết bán hàng xuyên biên giới thông qua sàn TMĐT đang trở thành cơ hội kinh doanh cho người bán hàng cá nhân, DN Việt. Vì chỉ cần tìm được vài khách hàng nước ngoài để bán sỉ sẽ giúp DN có đơn hàng ổn định, doanh thu cao.
Ông Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Hagimex chuyên về thực phẩm đóng lon và thủ công mỹ nghệ, cho biết: Trung bình một hợp đồng giá trị khoảng 15.000 USD nhưng công ty cũng đã ký những hợp đồng lớn trị giá lên đến 200.000 USD. Tương tự, Công ty TNHH Tre Làng cho biết thông qua sàn TMĐT, việc giao dịch với người mua trên toàn thế giới dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện công ty đang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có nguyên liệu từ tự nhiên của Việt Nam như mây, tre, nứa… sang Anh, Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản… với giá trị mỗi đơn hàng khoảng 100.000-120.000 USD. |