‘Sẵn sàng tiếp sức cho startup Việt ra thế giới’

Hơn ba năm hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Sihub) đang đi rất nhanh trong các chiến lược là bệ đỡ cho startup Việt.

Hiện Sihub đang hướng đến tầm nhìn mới là hội nhập quốc tế, đưa các startup Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub, đồng thời là giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, chia sẻ: “Dưới sự hỗ trợ của trung tâm, các startup đã gọi được vốn ở mức độ từ 300.000 USD cho đến 1-2 triệu USD”.

Giúp startup Việt tiếp cận các quốc gia phát triển

. Phóng viên: Thưa ông, lý do nào trung tâm quyết định đưa các startup Việt tham gia sân chơi quốc tế?

Ông Huỳnh Kim Tước

+ Ông Huỳnh Kim Tước: Cần phải có cái nhìn rằng một hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều giai đoạn. Vì thế, bước đầu tiên Sihub định hướng và kiến tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị tiềm lực và chiến lược để bước sang giai đoạn mới của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đó là giai đoạn hội nhập toàn cầu. Bước đi này nhằm giúp các startup Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo cung cấp cho doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

.Vậy trung tâm đã chuẩn bị gì cho bước đi này?

+ Chúng tôi triển khai chương trình Runway to the World (đưa startup Việt Nam ra thế giới). Đây là chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và các nước công nghiệp tiên tiến ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á và các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình đầu tiên đã được triển khai cùng với sự hợp tác với các đối tác Hàn Quốc.

Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn startup Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của khu vực và thế giới, từ đó từng bước khắc tên Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.

. Liệu rằng trung tâm có đặt quá nhiều tham vọng?

+ Một khi startup Việt thâm nhập vào sân chơi thế giới, họ có thể mở mang nhận thức để thay đổi cách làm, các suy nghĩ, cách kinh doanh, cách phát triển một dự án.

Điều quan trọng hơn là họ gặp được những đối tác tiềm năng, những người không chỉ sẽ đầu tư vào dự án của họ mà còn cung cấp các giải pháp, công cụ để phát triển sản phẩm. Ngoài ra, họ có thể gặp được các đối tác địa phương để mở rộng thị trường.

Ngược lại, khi kéo các startup ngoại vào Việt Nam, họ mang theo kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, gặp gỡ doanh nghiệp. Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận được các đầu mối ra thị trường nước ngoài.

Thực tế mỗi startup được chúng tôi chọn để đưa qua một quốc gia nào đó thì ít nhất có tiềm năng gọi vốn được 1 triệu USD. Một giá trị khác qua việc cọ xát chính là nhìn thấy các điểm yếu của mình, thấy được dự án chưa hoàn hảo để có sự điều chỉnh một cách tích cực.

Hiện nay Sihub đang hỗ trợ tối đa cho các startup bước ra thế giới. Ảnh: PM

Đã giúp hơn 1.500 dự án khởi nghiệp

. Sau hơn ba năm phát triển, Sihub đã làm được những gì?

+ Thực tế chúng tôi đang là nơi giúp số lượng dự án startup nhiều nhất nước. Trong ba năm qua, Sihub đã giúp hơn 1.500 dự án khởi nghiệp.

Tuy nhiên, trước hết mình phải hiểu đúng định vị của Sihub là một tổ chức nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Do đó, thành quả của Sihub không phải là cố gắng ươm tạo 3-5 startup mà là giúp cho hơn 50% các trường phổ thông tiếp cận kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phổ thông. Đồng thời đã có 15 trường đại học được Sihub đào tạo đội ngũ giảng viên, xây dựng giáo trình cho giáo dục sáng tạo khởi nghiệp.

. Về vấn đề gọi vốn thì Sihub đã thành công ra sao?

+ Dưới sự hỗ trợ của chúng tôi, các startup đã gọi được vốn ở mức độ từ 300.000 USD cho đến 1-2 triệu USD. Vì việc gọi vốn nằm ở phân khúc này tương đối khá nhiều nên cũng thể hiện đúng bản chất khởi nghiệp của Việt Nam.

TP.HCM tiếp sức ở rất nhiều lĩnh vực

. Trong tương lai, tham vọng của Sihub ra sao, thưa ông?

+ Sihub định vị mình là trung tâm giao dịch theo hướng hai chiều. Trước hết, Sihub tạo nên các chương trình và đào tạo gia tăng giá trị cho các startup, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Sau khi đã nâng tầm thì đưa các startup với thị trường toàn cầu.

Ngược lại, chúng tôi cũng mang các chương trình ươm tạo, những nguồn tài chính, thị trường của quốc tế tiếp cận cộng đồng startup Việt.

Mình phải làm vai trò tổ chức trung gian như vậy vì điểm yếu nhất của Việt Nam vẫn là thiếu các tổ chức trung gian từ tổ chức, tài chính cho đến công nghệ hỗ trợ cho các startup. Sihub nỗ lực lấp các khoảng trống này.

. Theo ông, làm sao để cơ quan nhà nước tham gia vào hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp một cách hiệu quả?

+ Thực tế, từ nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tham gia vào hoạt động khởi nghiệp nhưng chỉ với hình thức hỗ trợ cho dự án cụ thể. Chính vì vậy TP.HCM nhận thấy rằng cần có hệ thống mang tính bền vững hơn để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp.

Hệ thống này hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp trải dài trên rất nhiều lĩnh vực từ nguồn lực tài chính, hạ tầng gồm phòng thí nghiệm, nhà xưởng, văn phòng,… được cung cấp miễn phí, kết nối mối quan hệ và đào tạo.

Nhà nước còn giúp định hướng các dự án khởi nghiệp vào các ngành công nghiệp trọng điểm như chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin. Trên các nền tảng này thì Sihub ra đời.

. Xin cám ơn ông.

Mọi startup đều được chào đón

Phóng viên: Thưa ông, tiêu chuẩn nào để một startup có thể tham gia vào Sihub?

Ông Huỳnh Kim Tước: Quá trình khởi nghiệp của một start up trải dài qua nhiều giai đoạn từ khởi điểm ý tưởng cho đến lúc phát triển thành doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của Nhà nước theo từng bước phát triển của startup, nghĩa là cứ thành công qua mỗi công đoạn thì tiếp tục đầu tư, ngược lại thì sẽ dừng hỗ trợ tại giai đoạn thất bại.

Mọi startup đều được chào đón đến Sihub mà không có sự phân biệt. Thậm chí ngay cả việc để tiếp nhận được nguồn tài chính công, các startup đều có cơ hội như nhau, miễn là đáp ứng được các tiêu chí, thang điểm, định hướng mục tiêu mà Nhà nước đặt ra.

Hiện thực hóa thành phố sáng tạo

Nhằm đưa TP.HCM trở thành một thành phố khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM đã thành lập Sihub và giao trung tâm này cho Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM quản lý. Mục tiêu chính của trung tâm này là hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm