Ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP
Nhiều điểm sáng trong năm 2021 dù khó khăn, thách thức
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương với 10 “điểm sáng”.
Theo Thủ tướng, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Chúng ta đã đẩy nhanh ngoại giao và tiêm vaccine; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV (ước tăng 5,22% so với cùng kỳ) là mức đáng khích lệ. “Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực” - Thủ tướng nói và cho hay tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra song vẫn cao hơn năm 2020.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 31,15 tỉ USD (tăng 9,2% so với năm trước) cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
“Trong tháng 8 và 9, Chính phủ nhận được các kiến nghị hằng ngày của các nhà đầu tư. Qua 10 cuộc đối thoại liên tục của Thủ tướng, họ nhận thấy sự cầu thị, lắng nghe của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu của họ trong điều kiện rất khó khăn. Đồng thời, chúng ta cũng rất minh bạch, thể hiện chính kiến, bản lĩnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Thủ tướng nói.
Xuất khẩu cũng là điểm sáng; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Chúng ta cũng tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện quyết liệt…
“Trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu phải chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng chống dịch. Với các vụ án tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch, dứt khoát phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật” - người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Hoan nghênh TP.HCM mạnh dạn mở cửa lại các hoạt động
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề của năm là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
“Phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vaccine là hết sức quan trọng” - Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thần tốc thực hiện việc tiêm vaccine.
“Khi đã bao phủ được vaccine, có các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa” - Thủ tướng nói thêm và hoan nghênh TP.HCM đã mạnh dạn mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội khi số ca mắc, tăng nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm rất sâu.
Khi nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ đầu tiên là phòng chống COVID-19. Bên cạnh việc yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác”, Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào tết Nguyên đán. Ông cũng đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, việc quản lý tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui xuân, hội nghị, tết trồng cây... phải phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn.
“Kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển” - Thủ tướng nói và nhắc việc hoàn thiện chương trình tổng thể phòng chống dịch.
“Chính phủ sẽ làm hết sức mình” Về các kiến nghị của nhiều địa phương về vấn đề phân cấp, phân quyền; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng; xử lý các dự án tồn đọng… Chính phủ sẽ làm hết sức mình. Các bộ, ngành, các bộ trưởng phải hết sức chủ động để giải quyết. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, chung sức chung lòng, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2021. Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Về phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn. Cùng với đó, tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi. Xử lý có hiệu quả các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp… Tập trung triển khai lập và phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
“Quy hoạch không thể nóng vội, phải bảo đảm công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, không vì lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương, lợi ích cá nhân, không chịu bất cứ tác động tiêu cực nào” - Thủ tướng nói và yêu cầu xử lý nghiêm các tiêu cực, vi phạm, kiềm chế sự phát triển.
“Kiên quyết, kiên trì và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, toàn diện” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng thực hiện kiểm tra theo quy định của Đảng, các cấp, các ngành tổ chức thanh tra thường xuyên, phòng ngừa các sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.
“Không để lợi dụng công tác phòng chống dịch để trục lợi” - Thủ tướng lưu ý.
Năm rủi ro bên ngoài và sáu khó khăn, thách thức từ nội tại Theo Thủ tướng, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với năm rủi ro bên ngoài. Dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vaccine không đồng đều dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và bất bình đẳng gia tăng. Các nước lớn dự báo tăng trưởng chậm lại sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư đối với nước ta. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Cùng với đó, sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề Việt Nam cần hết sức lưu tâm. Sáu khó khăn, thách thức chính từ nội tại. Cụ thể, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp; biến thể mới Omicron ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm. Giải ngân đầu tư công còn chậm, dù có nhiều chỉ đạo, đôn đốc và giải pháp quyết liệt. Thu ngân sách đạt kết quả tốt nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; rủi ro nợ xấu gia tăng; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, một phần do ảnh hưởng từ dịch COVID-19… |