“Chúng tôi không tìm kiếm một sự thay đổi chế độ. Chúng tôi không tìm kiếm sự sụp đổ của Triều Tiên. Chúng tôi không tìm kiếm một sự thống nhất bán đảo Triều Tiên trong giục gấp. Và chúng tôi cũng không tìm lý do để đưa quân đội vượt qua vĩ tuyến 38” - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1-8, theo Yonhap.
Tuyên bố bất ngờ của ông Tillerson được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng nhiệt, đặc biệt sau hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng trong tháng này.
Đây được xem như một tuyên bố mang tính giải thích của Washington khi Bình Nhưỡng bấy lâu nói rằng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của quân đội Mỹ và Hàn Quốc là một hoạt động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Triều Tiên và tuyên bố sẽ phát triển chương trình hạt nhân cùng tên lửa để bảo vệ quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY
Ông Tillerson nói rằng một trong những mối đe dọa đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt là mối đe dọa từ Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền ông Trump đang theo đổi một chiến dịch “gây áp lực hòa bình” lên Triều Tiên với hy vọng nước này sẽ ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Và chúng tôi hy vọng rằng vào một thời điểm nào đó, Triều Tiên sẽ bắt đầu hiểu điều đó và rằng chúng tôi muốn ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại với họ về một tương lai mà sẽ cho họ nền an ninh họ đang tìm kiếm cũng như sự thịnh vượng về kinh tế cho Triều Tiên”.
Ông Tillerson ngoài ra cũng kêu gọi Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Washington không đổ lỗi cho Trung Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề của Bình Nhưỡng sẽ “không định hình” quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Bình luận về tuyên bố mới nhất của Mỹ, Alan Romberg, giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nói rằng ông xem các bình luận của Ngoại trưởng Mỹ là quan điểm “xuất sắc” mà chính sách ngoại giao của Mỹ nên có.
“Căn cứ vào lịch sử thù hằn và sự hồ nghi về nhau, không nghi ngờ rằng đây là một thông điệp mà Triều Tiên khó chấp nhận ngoài mặt. Tuy nhiên, tôi tin rằng thông điệp này là thật lòng và đáng để Triều Tiên khai thác” - ông Romberg nhận định.