Tu chính luật thứ hai trong Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ quyền tự vệ chính đáng và do đó có quyền sở hữu vũ khí hợp pháp.
Một rừng luật!
Điều luật cấp quốc gia đầu tiên liên quan quyền sở hữu vũ khí tại Mỹ là Tu chính luật thứ hai được chuẩn y năm 1791. Năm 1934, Đạo luật vũ khí quốc gia ra đời với những quy định về mua bán vũ khí, thuế kinh doanh vũ khí và việc bắt buộc đăng ký sử dụng một số loại vũ khí hạng nặng, chẳng hạn súng máy. Sau vụ ám sát thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr., năm 1968, Đạo luật kiểm soát vũ khí ra đời liên quan việc kinh doanh vũ khí, cấm bán súng qua đơn đặt hàng bưu điện và chỉ cho phép vận chuyển vũ khí đối với các nhà buôn có giấy phép.
Tiếp đó năm 1986, Đạo luật bảo vệ người sở hữu súng (còn được gọi là Đạo luật McClure-Volkmer) được thông qua, điều chỉnh một số quy định trong Đạo luật 1968, cho phép người bán súng có giấy phép kinh doanh hay các cá nhân không giấy phép đều được bán súng tại các cuộc triển lãm vũ khí.
Năm 1993, Quốc hội Mỹ thông qua Dự thảo luật Brady (gọi theo tên James Brady, người bị John Hinckley bắn suýt chết trong vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan năm 1981). Nội dung Đạo luật ngăn ngừa bạo động bằng súng ngắn Brady (từ dự luật trên) yêu cầu người mua phải chờ năm ngày để được kiểm tra hồ sơ trong hệ thống lưu trữ quốc gia.
Trên đây là một số luật cấp quốc gia về sở hữu vũ khí tại Mỹ (cấp bang lại có luật riêng mà thậm chí hiếm người Mỹ nào có thể rành rẽ tất cả luật súng của từng bang). Đã có luật cho sắm súng thì cũng phải có luật cho phép mang súng. Vấn đề luật sở hữu đã phức tạp, luật về quyền được mang súng cũng rối rắm không kém.
Quyền được mang súng bắt đầu được mở rộng khi tỉ lệ tội phạm liên quan súng tăng nhanh vào thập niên 1990 như một cách phản hồi từ những sự kiện bạo động kinh hoàng, chẳng hạn vụ George Hennard xộc vào quán Luby’s Cafeteria (Killeen, Texas) xả súng giết 23 người, làm bị thương 20 nạn nhân và sau đó hung thủ tự tử. Sau vụ này, cơ quan lập pháp Texas thông qua Luật Mang súng giấu kín áp dụng cho tất cả cư dân Texas, bất chấp sự phủ quyết của Thống đốc Ann Richards. Sau khi Texas tung ra luật này, loạt bang khác cũng noi theo.
Một cuộc biểu tình yêu cầu kiểm soát vũ khí.
Cả nước có 20.000 luật quản lý súng
Nội dung quy định từ Tối cao pháp viện không chặt chẽ cuối cùng đã khiến nước Mỹ ngày nay có đến 20.000 luật quản lý súng (!) - theo NRA (nghiên cứu của American Journal of Preventive Medicine cho biết chỉ có khoảng 300 luật cấp quốc gia và cấp bang địa phương). Ở cấp độ quốc gia, theo Đạo luật vũ khí quốc gia 1934, súng tự động và súng săn nòng ngắn phải chịu thuế và phải đăng ký. Ngoài ra, Đạo luật kiểm soát súng 1968 bổ sung việc cấm bán súng theo đơn đặt hàng qua bưu điện; cấm bán và chuyển giao cho vị thành niên; súng phải có số serie và hệ thống theo dõi lưu hành; cấm đối tượng tiền án hình sự sở hữu súng… Tuy nhiên, ở từng bang luật súng rối như canh hẹ và càng phức tạp như mớ bòng bong bởi luật thậm chí không thống nhất trên bình diện toàn bang mà có khi khác nhau ở mỗi cơ quan pháp luật tại bang đó (chẳng hạn luật của văn phòng thống đốc và luật của cảnh sát địa phương!). Tổng quát có thể phân thành ba nhóm luật (với tên gọi đặc sệt chất văn hóa Mỹ).
Đầu tiên là luật nên-như-thế (shall issue). Luật này quy định chính quyền địa phương được cấp phép sở hữu vũ khí giấu kín cho bất kỳ ai yêu cầu, miễn anh ta đáp ứng được tiêu chuẩn sở hữu-sử dụng vũ khí - chẳng hạn, gửi dấu tay vào hồ sơ lưu, nộp lý lịch cá nhân, tham dự lớp sử dụng súng an toàn, nộp lệ phí (nếu có). Luật nên-như-thế khác nhau ở từng bang. Thí dụ, bang Georgia không đòi giấy chứng nhận sử dụng an toàn.
Tuy nhiên, Alaska lại vừa áp dụng luật nên-như-thế lẫn luật không-hạn-chế (unrestricted issue), có nghĩa bang này không đòi hỏi giấy phép mang súng đối với “bất kỳ cá nhân nào biết sống và làm việc theo pháp luật” - kể cả mang công khai hoặc mang kín, trong phạm vi bang. Cùng lúc, Alaska sẵn sàng cấp phép đối với đối tượng nào yêu cầu (theo luật nên-như-thế) để có thể mang súng đến bang khác mà không bị thộp cổ tội sử dụng vũ khí trái phép.
Tương tự Alaska, Vermont chẳng đòi hỏi “giấy má” gì, đối với cư dân bang lẫn cư dân bang khác sống tại Vermont. Ngoài hai luật trên còn có luật có-thể-như-thế (may issue), theo đó chính quyền địa phương có thể tùy nghi xem xét việc cấp giấy phép mang súng giấu kín cho cá nhân nào đó. Các bang như California và New York cho phép chính quyền địa hạt được quyền xét cấp phép. Riêng tại New York City, giấy phép mang súng giấu kín, về lý thuyết có thể có được nhưng trong thực tế nó cần sự can thiệp của yếu tố tiền, ảnh hưởng chính trị hoặc thậm chí mức độ nổi tiếng (vài người được cấp phép trong lịch sử New York City gồm nhà công nghiệp truyền hình-phát thanh Howard Stern, chủ hãng mỹ phẩm Ronald Lauder, tỉ phú Donald Trump...). Và cuối cùng là luật không-được-như-thế (no issue), tức việc mang súng (giấu hoặc công khai) của các cá nhân không thuộc ngành cảnh sát-an ninh bị cấm hoàn toàn. Tính đến tháng 3-2006 (theo Wikipedia), chỉ hai bang Illinois, Wisconsin và khu vực Washington, D.C. là áp dụng luật này.
Phần bang Virginia, luật súng tại đây khá lỏng lẻo. Tháng 1-2006, Virginia từng xem xét dự luật cho phép sinh viên và giảng viên có giấy phép theo Luật Mang súng giấu kín được mang súng vào trường. Sau khi dự luật này “chết”, phát ngôn viên ĐH Kỹ thuật Virginia - Larry Hincker nói: “Tôi chắc rằng cộng đồng nhà trường rất biết ơn hành động của Đại hội đồng bang Virginia bởi điều đó sẽ giúp phụ huynh, sinh viên, giảng viên và khách cảm thấy an toàn hơn ở khuôn viên chúng tôi”. Án mạng học đường tại Virginia thật ra không mới. Năm 2003, tại Trường luật Appalachian (Grundy, Virginia), một sát thủ đã giết chết vị hiệu trưởng và một giáo sư; và thảm sát học đường cũng chẳng là chuyện hiếm tại Mỹ, như vụ Trường Trung học Columbine (Colorado) năm 1999 (một tháng sau vụ Columbine, Phó Tổng thống Al Gore từng thắng sát nút trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện với chiến dịch yêu cầu thông qua một dự luật tội phạm thiếu niên nhưng dự luật này bị bóp chết ở Hạ viện!).
Chủ nhà được quyền bắn kẻ xâm nhập
Với giới ủng hộ súng, họ tất nhiên có lý lẽ riêng không phải thiếu tính thuyết phục. Năm 1991, khi Suzanna Gratia Hupp (nguyên dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện cấp bang Texas - đang là gương mặt nổi tiếng toàn cầu về ủng hộ súng cho tự vệ cá nhân) đang ăn tối cùng cha mẹ, tên sát nhân George Hennard bất ngờ đâm sầm chiếc xe tải vào cửa sổ tiệm Luby’s Cafeteria. Vừa thấy cha Hupp, hắn bắn thẳng vào ngực nạn nhân. Khi mẹ Hupp bò đến nâng xác chồng, Hennard giết luôn người phụ nữ 47 tuổi này. Hupp hoảng hốt sộc vào ví tìm khẩu .38 Smith & Wesson nhưng nhận ra rằng mình đã bỏ nó trong cốp xe hơi bởi không thể mang súng ở nơi công cộng, theo luật Texas thời điểm đó. Thế là Hupp chết lặng nhìn cảnh cha mẹ bị giết.
Sau đó, bà tung ra cuộc chiến cho Luật Mang súng giấu kín. Dù vậy, trước vụ thảm sát kinh hoàng tại ĐH Kỹ thuật Virginia, Hupp (rút lui khỏi chính trường năm 2006) bắt đầu tỏ ra mềm hơn trong quan điểm và lên án các chính trị gia như thủ phạm gián tiếp bởi chính sách của họ. Phần mình, các nhóm vận động hành lang cho những tổ chức ủng hộ súng vẫn hoạt động sôi nổi và thậm chí thành công trong việc thúc đẩy áp dụng luật “học thuyết lâu đài”, mang nội dung rằng chủ nhà được quyền bắn kẻ xâm nhập. 16 bang đang áp dụng luật “học thuyết lâu đài” và tám bang đang xem xét.
Tại Texas, tháng 3-2007, chính quyền địa phương đã áp dụng luật mới, không chỉ cho phép chủ bất động sản bảo vệ nhà mình bằng súng mà cả xe cộ và nơi làm việc! Tổng Giám đốc điều hành NRA Wayne LaPierre đã đưa ra thông điệp “mang tính sứ mạng” cho các thành viên vào trung tuần tháng 4-2007 với phát biểu: “Chúng ta sẽ thúc đẩy việc áp dụng luật học thuyết lâu đài khắp đất nước. Chúng ta thúc đẩy để bảo vệ quyền lợi chúng ta, bản thân chúng ta và sẵn sàng chống lại những người sử dụng lao động có chủ trương chống sử dụng súng khiến các bạn trở nên mất khả năng tự vệ trên đường đến công sở cũng như khi về nhà. Chúng ta sẽ thúc đẩy để bảo vệ và nâng cao sự tự do của chúng ta và chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta chiến thắng”!...