Cuộc tổng tuyển cử lịch sử cuối năm 2015 đã làm thay đổi sâu sắc chính trường Myanmar, xây dựng một chính phủ dân sự cho quốc gia hơn nửa thế kỷ dưới sự kiểm soát của chính phủ quân đội. Ông Htin Kyaw đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Myanmar sau hơn 50 năm.
Nữ lãnh đạo phong trào dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, cũng sẽ nắm trong tay ba vị trí quan trọng: bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bộ trưởng Văn phòng tổng thống và cố vấn quốc gia. Sau những lo lắng ban đầu, tình hình chính trị nội bộ của “đất nước chùa vàng” đã dần ổn định. Giờ là lúc để chính phủ bà Suu Kyi giải quyết những bài toán khó về đối ngoại của Myanmar.
Trung Quốc lấy lại vị thế
Theo bà Phuong Nguyen, thành viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, D.C. (Mỹ), một trong những vấn đề đối ngoại của Myanmar mà giới chuyên gia chú ý nhất là cách thức bà Suu Kyi giải quyết mối quan hệ nhiều trúc trắc với Trung Quốc (TQ). Trong những phép thử đầu tiên của bà Suu Kyi là hai vấn đề phức tạp mà chính phủ ông Thein Sein để lại: Dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD đang bị trì hoãn ở phía bắc Myanmar và dự án đặc khu kinh tế TQ trị giá gần 14 tỉ USD ở phía tây nam hướng ra vịnh Bengal.
Đập Myitsone đã bị chính phủ ông Thein Sein hoãn từ năm 2011 đến nay vì áp lực của người dân, phản đối việc TQ trục lợi từ tình trạng bị cô lập của Myanmar khi đó. Đối với TQ, việc không “giải thoát” được dự án thủy điện này sẽ không chỉ làmhại đến vị thế và các lợi ích kinh tế của Bắc Kinh tại Myanmar mà còn tạo một tiền lệ xấu cho những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của TQ tại khu vực trong tương lai, bà Phuong Nguyen nhận định trong bài viết đăng trên CSIS ngày 31-3.
Bà Suu Kyi bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 5-4. Ảnh: REUTERS
TQ cũng muốn khẳng định sức ảnh hưởng trong tiến trình hòa giải dân tộc của Myanmar. Bắc Kinh từng đóng vai trò quan trọng trong các đối thoại ngừng bắn năm 2011 giữa chính phủ Myanmar và hàng chục nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Mặc dù chính phủ của cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn chính thức với bảy nhóm vũ trang vào tháng 10-2015, đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành công cuộc hòa giải dân tộc.
Trung tâm Hòa bình, chuyên trách giải quyết các đàm phán ngừng bắn tại Myanmar, đã bị giải thể. Những viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) cho tiến trình hòa bình Myanmar vẫn còn đang để ngỏ. Điều này mở ra cơ hội lớn để TQ tham gia hỗ trợ tích cực hơn cho chính phủ còn non trẻ mà bà Suu Kyi dẫn đầu.
Ông Alistair D. B. Cook, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho rằng chính quyền TQ sẽ tìm mọi cách để đảm bảo mối quan hệ thân thiết với chính phủ mới tại Myanmar. “Kết quả này sẽ tùy vào khả năng TQ tích cực hỗ trợ tiến trình hòa giải dân tộc của Myanmar, đồng thời tái khởi động được các dự án đầu tư bị trì hoãn hay không” - ông cho biết.
Mỹ cần nới lỏng chính sách
Khoảng khắc thân mật giữa ông Obama và bà Suu Kyi trong chuyến viếng thăm đến Myanmar năm 2014 (Ảnh: AFP)
Sau cuộc gặp gỡ quan trọng giữa ông Vương Nghị và bà Suu Kyi ngày 5-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã trực tiếp điện đàm với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và cố vấn quốc gia Suu Kyi.
Đây là cuộc gọi đầu tiên kể từ khi ông Htin Kyaw nhậm chức vào tháng trước, mở ra thời kỳ Quốc hội dân cử đầu tiên của Myanmar. Tổng thống Obama đã chúc mừng hai nhà lãnh đạo và tuyên bố Mỹ cam kết hỗ trợ Myanmar trong việc xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng. Sau chuyến thăm lịch sử của ông Obama đến Myanmar năm 2012, chính phủ Mỹ đang tiếp tục bày tỏ sự cam kết tạo hợp tác đối với chính phủ mới của bà Suu Kyi.
Cựu đại sứ Mỹ tại Myanmar - bà Priscilla Clapp, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xã hội châu Á (Mỹ), cho rằng nước Mỹ cũng cần nhanh chóng tăng cường vai trò của nước này không chỉ trong tiến trình cải cách chính trị mà còn trong sự chuyển mình về kinh tế của Myanmar. Để làm được điều này, các chính sách của Mỹ đối với Myanmar cần phải có những thay đổi to lớn.
Viết trên trang tin U.S News & World Report, bà Priscilla Clapp nhận định Washington cần lập tức xem lại toàn bộ những quyết định cấm vận và hạn chế đang áp đặt lên Myanmar. Các lệnh cấm vận cần được tái cấu trúc để cho phép Mỹ tiếp cận cả chính phủ và giới doanh nghiệp Myanmar, củng cố vai trò đầu tàu của Mỹ vận động quốc tế hỗ trợ tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế nước này.
Theo bà Clapp, để góp phần chấm dứt tình trạng nội chiến dai dẳng nhất thế giới tại Myanmar, Washington cũng cần tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề người tị nạn Rohingya và các xung đột căng thẳng tiềm tàng mà chính phủ của bà Suu Kyi đang đối mặt.
Tân Tổng thống Myanmar ông Htin Kyaw (trái) đã nhận điện đàm từ Tổng thống Mỹ Obama ngày 7-4 (Ảnh: AFP)
Bà Clapp bình luận những chuyển biến chính trị của Myanmar dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein và những viễn cảnh mà chính phủ mới của bà Suu Kyi hướng đến đang biến Myanmar trở thành một “điểm nóng” đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Đông Nam Á và rộng hơn nữa là châu Á-Thái Bình Dương.
Những cấm vận trong quá khứ nhằm cô lập chính phủ quân sự tại Myanmar giờ đây đang “trói tay” Washington đưa ra các cách tiếp cận hiệu quả hơn để khẳng định vị thế của nước này đối với nước Myanmar “mới”.
Không chỉ riêng bà Priscilla Clapp, nhiều nhóm hoạt động chính sách tại Mỹ cũng đang thuyết phục Washington nới lỏng các cấm vận về giao dịch, đầu tư, tìm kiếm đối tác làm ăn và viện trợ cho Myanmar. Mặc dù các cấm vận thương mại đã được dỡ bỏ phần lớn, những cấm vận còn lại đang trở thành gánh nặng cho chính sách tạo ảnh hưởng của Mỹ tại “đất nước chùa vàng” và khu vực.
Doanh nghiệp làm “xấu mặt” Trung Quốc ở Myanmar Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Myanmar cho rằng Bắc Kinh cần nỗ lực nhiều để lấy lại lòng tin của người dân Myanmar. Sau nhiều năm hiện diện tại đất nước này, các doanh nghiệp TQ đang có hình ảnh không mấy “tốt đẹp”. Phó Chủ tịch Liên minh Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Myanmar, ông Maung Maung Lay, cho rằng vi phạm về đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp TQ trong quá khứ, cũng như mối quan hệ thân thiết với chính phủ tiền nhiệm, có thể tạo ra khó khăn cho những đầu tư trong tương lai giữa hai nước. “Thương lái TQ đã làm xấu hình ảnh quốc gia khi tuồn hàng giả và sản phẩm kém chất lượng vào Myanmar. Những công ty TQ cũng đã hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền quân sự vốn không còn được lòng người dân. Những điều này sẽ gây khó khăn cho hợp tác. Bạn của kẻ thù cũng không phải là bạn của tôi” - ông Muang Muang Lay cho biết. Còn ngay trong bài phát biểu của mình, ông Vương Nghị cũng đã chỉ ra mong muốn lấy lại lòng tin của người Myanmar với các đối tác TQ: “Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu những công ty TQ tại Myanmar tuân thủ đúng luật pháp, tôn trọng phong tục địa phương, chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các dự án cộng đồng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội”. |