Mỹ: Trung Quốc chớ có hành xử kiểu Crimea tại châu Á

Tại phiên họp với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Reuters dẫn lời ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, cho biết hiện khó có thể nắm bắt được ý đồ của Trung Quốc, nhưng việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á gia tăng lo ngại về nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Ông Russel nói rằng các lệnh cấm vận về mặt kinh tế mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác áp dụng cho Nga sẽ có “tác dụng gây kinh hãi cho bất kỳ ai ở Trung Quốc xem vụ việc tại Crimea như một mô hình để áp dụng”, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc phụ thuộc qua lại với Mỹ và các nước láng giềng châu Á.

Quan chức Mỹ này còn nói thêm rằng, mặc dù Washington không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Á, nhưng Bắc Kinh chớ nên hoài nghi về cam kết bảo vệ đồng minh khi cần thiết của Washington.

“Tổng thống Mỹ và chính quyền Obama đã khẳng định sẽ tôn trọng cam kết bảo vệ các đồng minh của chúng tôi”, ông Russel cho hay.

Và trong khi Mỹ đã tuyên bố giữ vững cam kết nói trên, vốn bao gồm cả các hiệp ước phòng thủ ký với Nhật, Philippines và Hàn Quốc, thì không có lý do gì mà các tranh chấp chủ quyền tại Đông Á không thể giải quyết bằng các giải pháp hòa bình, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói.

Ông Russel cũng cho biết thêm rằng ông hy vọng việc Phillipines đệ đơn kiện tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra tòa quốc tế vào cuối tuần trước sẽ khuyến khích Bắc Kinh nên rõ ràng và xóa bỏ những luận điểm mơ hồ trong các tuyên bố chủ quyền của mình tại Đông Á.

Ông cũng nhận định rằng việc Trung Quốc điều động một số lượng lớn tàu thuyền ra khu vực có tranh chấp với Philippines ở biển Đông là hành động “gây khó khăn”, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã có những hành động “mà chúng tôi thấy là mang tính khiêu khích”.

Được biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ đến thăm Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ ngày 22.4 để tái khẳng định cam kết của Mỹ về chiến lược tái cân bằng và tập trung vào kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền biển đảo ở Đông Á, theo Reuters.

Theo Hoàng Uy (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm