Dù Mỹ liên tục phủ nhận Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc (TQ) nhưng Bắc Kinh cùng nhiều nhà quan sát lại suy nghĩ ngược lại. Nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon nhận định như trên trên báo Washington Post (Mỹ) ngày 25-4.
Ông đưa ra ba yếu tố để lý giải:
Cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương: Mỹ vẫn thống trị về quân sự nhưng TQ quyết mở rộng quân sự trong 20 năm qua. Điều đó đặt ra câu hỏi về cán cân lực lượng trong tương lai.
Năm 2014, TQ đã tăng hơn 12% chi phí quốc phòng. Năm ngoái, TQ đã trang bị 17 tàu chiến mới, nhiều hơn bất kỳ nước nào. TQ cũng mong muốn sở hữu bốn tàu sân bay đến năm 2020 và phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Trong vài thập niên tới, TQ có thể sẽ triển khai hải quân vào sâu ở Nam Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Ngày 29-4, Tổng thống Obama viếng nghĩa trang quân đội Mỹ tại căn cứ Fort Bonifacio ở Manila (Philippines). Ảnh: AP
Song song theo đó, rạn nứt ngoại giao giữa TQ với các nước láng giềng về tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông gia tăng. Trong khi đó Mỹ vừa muốn củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống vừa e ngại làm mếch lòng Bắc Kinh.
Dấu chân toàn cầu của TQ: Năm nay, TQ đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước đang phát triển, đặc biệt với châu Phi. TQ cũng đang rót hàng tỉ USD vào các dự án khổng lồ khắp thế giới.
Phạm vi hoạt động ngày càng tăng của các công ty TQ đặt ra câu hỏi hóc búa về tương lai chính trị toàn cầu. Mỹ đối phó thế nào khi quyền lực suy giảm ở Mỹ Latin? Liệu Mỹ có quan tâm đến hình thức chủ nghĩa đế quốc mới của TQ?
Hiện nay, mong muốn của Mỹ là nhanh chóng hoàn thành Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương nhằm củng cố ảnh hưởng tại một khu vực mà Mỹ từng là bá chủ.
Quan hệ hữu nghị với Nga: Quan hệ Mỹ-Nga rất xấu do khủng hoảng Ukraine. Ngược lại, TQ và Nga đang thắt chặt quan hệ. Hai nước đang tiến gần thỏa thuận khí đốt trị giá hàng tỉ USD. Thỏa thuận càng có ý nghĩa khi Nga muốn xỏ mũi châu Âu sau những bất đồng liên quan đến Ukraine.
Các nhà chiến lược Mỹ nhận định hai nước này đang tạo một trục phi tự do cản trở mục tiêu của Mỹ đối với hàng loạt vấn đề tại LHQ như đã từng cản trở Mỹ hành động cứng rắn đối với Syria.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ tại châu Á đang tranh luận về chính phủ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở Nhật trong khi Ấn Độ và ASEAN không hẳn nghiêng về Mỹ để chống lại TQ.
DUY KHANG
Ngày 1-5, Bộ Quốc phòng TQ thông báo cuối tháng 5 hải quân TQ và Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên Phối hợp trên biển 2014. Khoảng 20 tàu tham gia tập trận. Cuộc tập trận hồi năm ngoái được tổ chức ở vùng biển Viễn Đông (Nga). Theo báo South China Morning Post (Hong Kong), tập trận diễn ra lúc Tổng thống Nga Putin đến Thượng Hải. Ông Nghê Lạc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quân sự và sức mạnh biển (ĐH Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải), nhận định thông qua tập trận, Nga muốn nhắc nhở Mỹ và EU rằng Nga-TQ đang củng cố quan hệ đối tác chiến lược. Chuyên gia Lý Khiết ở Viện Nghiên cứu nghệ thuật quân sự hải quân (TQ) ghi nhận TQ chọn biển Hoa Đông làm nơi tập trận nhằm phản đối Mỹ can thiệp vào tranh chấp tại biển Đông và biểnHoa Đông. THẠCH ANH |