Sau vụ đánh bom hôm thứ tư vừa qua tại nhà ga xe lửa ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương khiến ba người chết, 79 người bị thương, an ninh đã được siết chặt hơn tại khu vực này.
Hàng chục xe cảnh sát tập trung quanh nhà ga cùng với quân đội và lực lượng có vũ trang liên tục tuần tra, kiểm soát hành khách ra vào. Khu vực này vốn khá phức tạp vì tập trung hàng trăm người lao động nhập cư đến để tìm kiếm những công việc thời vụ.
Tân Cương tiếp giáp với biên giới các nước Trung Á, là khu vực giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược. Mặc dù các cá nhân Hồi giáo ly khai có hiện diện trong vùng, tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây các cuộc tấn công tự sát như vừa qua rất ít xảy ra.
Lực lượng vũ trang phong tỏa, giám sát khu vực nhà ga Urumqi. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2013 về phòng, chống khủng bố toàn cầu công bố tháng trước, Mỹ đánh giá hoạt động chống khủng bố ở Trung Quốc còn ở mức “bề mặt”; đồng thời, không đồng ý với việc Trung Quốc đưa ra những bằng chứng cho thấy vụ việc ở Tân Cương không phải là khủng bố có quy mô lớn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng lại nhận định này: “Trung Quốc luôn luôn và kiên quyết triệt để chống chủ nghĩa khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào, do bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện”.
“Trong vấn đề chống khủng bố toàn cầu, gán cho nước khác một cáo buộc vô trách nhiệm và áp đặt thang đánh giá khác thường sẽ không giúp ích gì cho việc hợp tác quốc tế”, Bộ Ngoại giao bổ sung thêm.
Trong vụ việc xảy ra ở Tân Cương, phía Trung Quốc đã công bố tên của một trong hai kẻ khủng bố là Sedirdin Sawut (39 tuổi), sống tại Tân Cương, danh tính người thứ hai đang được giữ kín. Cả hai người này đều là những phần tử có tham gia các hoạt động tôn giáo cực đoan từ trước đó nhiều năm.
Xe quân sự chạy trên đường , trước nhà ga Urumqi ở Tân Cương. Ảnh: Reuters
An Khương