Năm học mới với khí thế mới

(PLO)- “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-9, gần 23 triệu học sinh (HS) háo hức dự lễ khai giảng năm học 2022-2023. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các ban ngành, đoàn thể đều dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành GD&ĐT và tham dự lễ khai giảng tại các trường để động viên thầy trò.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (KHTN), ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại Trường Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ngành GD&ĐT đã xác định chủ đề năm học 2022-2023: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” và đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

Học sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Học sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục nước nhà đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Sớm giải quyết được ba thiếu

Nhiệm vụ trước mắt cần sớm giải quyết được ba thiếu, đó là thiếu GV - thiếu lớp học - thiếu sách giáo khoa.

Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho GV, đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề.

Thủ tướng Chính phủ
PHẠM MINH CHÍNH

Trong đó, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về GD&ĐT ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Tham dự lễ khai giảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra những nhiệm vụ cho HS, giáo viên (GV), Bộ GD&ĐT trong năm học mới.

HS phải nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi. Một việc nữa các cháu nên làm là chăm chỉ đọc sách. Nhờ đọc sách, các cháu sẽ biết được rất nhiều điều thú vị, hiểu sâu, biết rộng hơn về bầu trời tri thức. Bên cạnh đó, các cháu cần chăm chỉ học ngoại ngữ, tin học, luyện tập thể chất, nhất là các kỹ năng sống...

Thủ tướng thấu hiểu những vất vả của thầy cô khi phải dạy dỗ, chăm sóc mấy chục cháu. “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng đề nghị cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh.

Dù hoàn cảnh ra sao, phụ huynh hãy cho con em đến trường

Tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đến dự và đánh trống khai giảng tại ngôi trường trung học cổ nhất Sài Gòn - THPT Lê Quý Đôn, quận 3. Còn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị huyện ủy, ủy ban các địa phương tiếp tục quan tâm cho sự nghiệp giáo dục. Trước hết là chăm lo cho GV về nhà ở, đời sống để thầy cô yên tâm lo cho HS. Thứ hai, chăm lo cho các trường, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho chương trình giáo dục mới bằng ngân sách, xã hội hóa. Thứ ba, chăm lo cho HS, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn để gia đình yên tâm cho các cháu đến lớp. Chủ tịch chỉ mong ở huyện Cần Giờ, trẻ sáu tuổi 100% vô lớp 1 và 100% ra lớp 5. “Nếu huyện khó khăn phải báo cáo để TP đầu tư. Đối với Cần Giờ, việc đầu tư cho giáo dục là việc không thể chậm trễ” - ông Mãi nhấn mạnh.

Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã dự lễ khai giảng và thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Đồng thời, ngành chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GV và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đến tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vào sáng 5-9.

Mục tiêu của ngành GD&ĐT Đà Nẵng trong năm nay sẽ nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập tối thiểu của HS, tăng chất lượng dạy và học ở các cấp học, kể cả cuộc thi HS giỏi quốc gia.

Học sinh kết thúc năm học trước 31-5-2023

HS kết thúc học kỳ I trước ngày 15-1-2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25-5-2023 và kết thúc năm học trước ngày 31-5-2023.

Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30-6-2023. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31-7-2023.

Thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm