Nhiều vùng ở Quảng Bình đang trải qua trận hạn hán chưa hề có trong vòng một trăm năm trở lại đây. Người dân nơi đây trong hai tháng qua luôn bị đốt trong dải nhiệt 39-40 độ, có khi lên đến 41 độ. Hồ nước hàng chục triệu khối nước cũng bốc hơi như không. Ruộng đồng toang hoác vết nứt.
Lúa gieo xuống chết cháy, ruộng nứt nẻ.
Trong một vũng nước trẻ con đi lại trên đất nứt nẻ.
Nóng vo tròn mọi thứ, từng góc làng, từng hòn đất, cái cây, con vật... ném tất cả vào chảo lửa, đày ải cùng cực mọi thứ.
Chúng tôi có những trải nghiệm chưa từng thấy trong đời khi cùng người dân bản địa xuyên mỗi ngày hơn 40 độ trong cái nắng kinh khủng.
Người già trong các làng mạc được con cháu chăm sóc chu đáo nhất, nhưng thi thoảng bệnh viện khu vực vẫn đón nhận nhiều bệnh nhân say nắng. Có người cấp cứu kịp thời nhưng cũng có người xấu số bởi chịu không nổi cơn nắng khốc liệt đến điên cuồng. Trẻ con sơ sinh khóc suốt trong tháng, ngày nắng nóng khắc nghiệt. Nhiều trẻ nhập viện với đủ thứ bệnh về tiêu chảy, hô hấp... do nắng nóng.
Mương tưới tiêu ở huyện Quảng Trạch khô cạn trơ đáy.
Người dân mót nước trong hồ chứa Quảng Lưu còn nước cặn.
Mảnh làng Long Đại xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) với hơn 2.500 dân. Cả một làng bị “cô đặc” giữa cái nắng nóng hơn hai tháng không có lấy một hạt mưa. Người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà đều héo hon chống chọi nắng nóng. Ông Trần Ngọc Sỹ cho biết: “Nắng nóng như bưng, làng có 500 cái giếng thì kiệt cạn cả 500 cái”. Mỗi cái giếng ở đây đào sâu đến hơn 30m nhưng mót mãi cũng chỉ đủ nước rửa mặt còn dân phải mua nước nơi khác về sinh hoạt với giá mỗi bình 5 lít 20.000 đồng.
Ông Trần Ngọc Đĩnh nói hình ảnh: “Ở làng nắng nung nóng quá, bật ra khỏi làng, đi chạy nắng, qua làng khác coi có đỡ nắng hơn không, cũng nóng chả khác chi làng mình. Nhảy chỗ mô cũng nóng. Đi chỗ mô cũng nóng. Chả khác chi kiến bò trong chảo lửa. Nóng như xắn ra được chứ không đùa”.
Chút nước mót sót lại ở Quảng Lưu.
Xa tít xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) hồ chứa nước Trung Thuần hơn 40 triệu khối đảm bảo tưới cho cả ngàn héc ta đất nông nghiệp vùng hạ du trải qua cảnh tượng mà người dân chưa bao giờ thấy.
Hồ Trung Thuần hàng triệu mét khối nước giờ chỉ còn mấy ngàn khối nước.
Xã Quảng Lưu kề cạnh, Biền Ngân, Bí thư kiêm Chủ tịch xã khẩn thiết: “Hạn hán quá nặng, người già chưa bao giờ nhìn thấy, còn tui thì bao nhiêu năm ở đây cũng không trải qua trận hạn hán nào nặng nề như thế này. Hơn 200 ha lúa gieo xuống chả lên được. 200 ha còn lại nói động viên bà con chuyển đổi mục đích canh tác, trồng loại chịu hạn nhưng thất bại. Đất cứng khấc, cuốc như bổ vào đá, không làm chi được. Bà con để hoang đất chứ thua rồi”.
Láng giềng kề cận, xã Quảng Phương, nhiều diện tích lúa bị nắng hành hạ đến tức mặt vỡ ra từng mảng ruộng há mồm chờ mưa. Lúa má gieo xuống có đám chết cháy, có đám lên được vài xăng ti mét đã héo hon. Cụ ông Trần Văn Lùng nói: “Thua. Hạn hán kiểu ni thì nông dân có gan lì mấy cũng thua. Không ai dám bỏ lúa má ra đánh bạc với trời nữa. Trời hành kiểu ni thì chết”.
Trẻ em vùng cao đi kiếm nước.
Nắng quá nóng, rừng trên cát cũng khô.
Đi bất cứ đâu, vào bất cứ xóm nào cũng gặp điệp khúc thở than của người dân về nắng nóng, thiếu nước, hạn hán cháy mặt cháy da. Các kênh dự báo thời tiết của truyền hình, báo chí, internet đều dự báo đỏ rực nắng nóng trong vòng hơn mười ngày tiếp theo khiến ai cũng thon thót giật mình bởi trận nắng khốc hại nhất trong lịch sử vẫn chưa thể dừng lại cho người dân được nhờ.
Cứ sáng mắt, nhiều người lại ngửa cổ lên trời than: “Răng mà nắng ri hè. Nắng mãi chịu mô nổi”. Khi bài viết này đến bạn đọc, người dân ở đây lại vẫn cứ mỗi ngày “kẹt” trong cái lò 39-40 độ. “Kẹt” đến cứng khô “quăn” cổ.