Nâng tầm du lịch y tế TP.HCM trong khu vực ASEAN

(PLO)- Ngành du lịch TP.HCM định hướng đưa thương hiệu du lịch y tế TP.HCM mang tầm khu vực vào năm 2030.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-11, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển sản phẩm du lịch y tế (DLYT) TP.HCM giai đoạn 2017-2023, phương hướng thực hiện giai đoạn 2024-2030.

Sản phẩm du lịch còn nhiều bất cập

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu đánh giá: Năm 2023 là điểm son ghi nhận sự khởi sắc của sản phẩm DLYT với nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, công bố 30 combo chương trình tour kết hợp với DLYT, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế.

TP.HCM cũng ra mắt video giới thiệu, quảng bá về sản phẩm DLYT; cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cẩm nang DLYT bằng sáu thứ tiếng. Đặc biệt, TP.HCM tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm DLYT để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và học tập mô hình DLYT tại Thái Lan.

du-lịch-y-tế.jpg
Ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng du lịch y tế sẽ trở thành thương hiệu mang tầm khu vực vào năm 2030. Ảnh: THU TRINH

Tuy nhiên, theo bà Hiếu, sản phẩm DLYT vẫn còn tồn tại nhiều trăn trở và có một số bất cập cần cải thiện như: thiếu nguồn nhân lực thông thạo các ngôn ngữ về chuyên ngành y tế; công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm DLYT chưa chuyên nghiệp, thường xuyên.

“Hầu hết bệnh viện chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân người nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh” - bà Hiếu nói.

Ông Trần Quang Duy, CEO Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, lại cho rằng: TP đã có chương trình thực tiễn phục vụ du khách về nha khoa, chăm sóc sức khỏe kết hợp với tham quan TP.HCM. Sau một thời gian, sự kết nối giữa ngành du lịch và y tế đã hoàn thiện và cởi mở hơn. Khách đến TP.HCM không chỉ đến thăm khám, chữa bệnh mà TP còn có nhiều chương trình du lịch mới với cơ sở y tế đạt chuẩn, nhà hàng đảm bảo yếu tố sức khỏe.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, đánh giá: Loại hình DLYT tại Việt Nam phần lớn sẽ phù hợp với thị phần inbound (khách du lịch đến Việt Nam) hơn khách nội địa. Hiện chỉ tập trung vào cải thiện sức khỏe tinh thần bằng những liệu pháp vận động hay massage, nghỉ dưỡng gần thiên nhiên..., còn những loại hình chuyên sâu hơn thì vẫn chưa tiếp cận được với khách hàng.

Bà Uyên cho rằng: “Thách thức lớn nhất là làm thế nào để đưa hình ảnh kỹ thuật công nghệ ngành y tế đến gần hơn với du khách quốc tế”.

TP.HCM đang phát triển hệ thống du lịch y tế theo ba cụm chuyên sâu: Cụm y tế trung tâm, Cụm y tế Tân Kiên, Cụm y tế Thủ Đức.

Các nhóm giải pháp

TP.HCM định hướng DLYT thật sự trở thành sản phẩm du lịch tiềm năng và đưa thương hiệu DLYT mang tầm khu vực vào năm 2030.

Thông tin về định hướng đến năm 2030, bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch, Sở Du lịch TP, cho hay: Sở đề xuất mô hình cấp cứu du lịch để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh về bệnh lý đối với du khách. Bên cạnh đó, thiết kế hoàn thiện chương trình sản phẩm DLYT, xây dựng chương trình kích cầu DLYT định kỳ hằng quý theo chuyên đề, điều trị hiếm muộn, nha khoa, y học cổ truyền… Mô hình sản phẩm về y dược cổ truyền theo định hướng của Đề án phát triển loại hình sản phẩm DLYT phục vụ du khách đến năm 2030 của Bộ Y tế.

Theo bà Điệp, chương trình DLYT cần sự đồng hành của các địa phương trên cả nước. Vì vậy, TP định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết với các tỉnh, thành. Ngoài ra, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông để đến gần hơn với du khách.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel góp ý thêm: TP.HCM cần truyền thông về tính vượt trội của ngành y tế; khắc phục rào cản ngôn ngữ; áp dụng công nghệ 4.0 đảm bảo cho khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và đặt dịch vụ.

TS-BS Nguyễn Phan Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay TP phát triển hệ thống DLYT theo ba cụm chuyên sâu: Cụm y tế trung tâm, Cụm y tế Tân Kiên, Cụm y tế Thủ Đức (TP Thủ Đức).

Chia sẻ về các nhóm giải pháp để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, ông Châu cho biết: TP đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới, sáng tạo ngành y tế; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai “khu y tế kỹ thuật cao”; phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật.

Ngoài ra, TP phát triển DLYT kết hợp với y học hiện đại và y học cổ truyền; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng; xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa.

Đối với ngành du lịch, ông Châu đề xuất: Sở Du lịch kết nối, tư vấn khách du lịch với các cơ sở triển khai dịch vụ DLYT; kết nối với các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng tạo hệ sinh thái. Sở Du lịch cũng cần hình thành tổng đài DLYT.•

Xây dựng các đề án phát triển du lịch y tế

p8_hinhBOX.jpg
TP.HCM đã công bố 30 combo chương trình tour kết hợp với du lịch y tế dành cho du khách. Ảnh: THU TRINH

Trong sáu tháng đầu năm 2023, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đón khoảng 200 khách quốc tế từ các công ty du lịch lữ hành; đào tạo chuyên sâu, xây dựng các lớp học cho học viên có quốc tịch Pháp, Ý…

Để phát triển DLYT, viện đã xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch… định hướng phát triển chuyên sâu DLYT. Cạnh đó, ưu tiên quy trình khám cho du lịch, nâng cấp trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ… cho nhân viên khám chữa bệnh người nước ngoài.

Viện tích cực tham gia các sự kiện về DLYT, cải tiến các gói sản phẩm theo nhu cầu xã hội, tăng cường gắn kết với các đơn vị du lịch lữ hành.

ThS-BS CKII NGUYỄN THANH TUYÊN, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm