NATO phản ứng sau bình luận của ông Macron về Ukraine

(PLO)- Giới quan sát cho rằng bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng gửi quân đội châu Âu đến Ukraine như “con dao hai lưỡi” với NATO.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần này, tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về ý tưởng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga, theo đài CNN.

“Không có gì phải loại trừ. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến này” - Tổng thống Macron nói nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về quốc gia nào đang cân nhắc gửi quân đến Ukraine với lý do ông muốn duy trì “sự mơ hồ về mặt chiến lược”.

Dù chưa rõ phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp có khả năng thành sự thật hay không nhưng bình luận này thực sự đã gây rúng động trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

nato-rung-dong-sau-binh-luan-cua-ong-macron-ve-ukraine.jpg
Tổng thống Macron (giữa) tại cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu ở thủ đô Paris (Pháp) hôm 26-2. Ảnh: AFP

NATO sửng sốt, Nga - Ukraine phản ứng trái chiều

Ngay sau bình luận của ông Macron, hàng loạt lãnh đạo các nước NATO đã lên tiếng bác bỏ, bao gồm những quốc gia kiên định ủng hộ Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 27-2 khẳng định những tuyên bố ban đầu của NATO về việc không triển khai quân đến Ukraine vẫn sẽ được vận dụng trong tương lai. “Sẽ không có bộ binh hay binh sĩ nào do các nước châu Âu hoặc NATO được gửi đến Ukraine” - ông Scholz nhấn mạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lặp lại quan điểm của Berlin: “Các đồng minh NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã làm điều đó từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ sau chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO hiện diện ở Ukraine”.

Về phía Mỹ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden phản đối việc gửi binh sĩ Mỹ hoặc binh sĩ NATO tới Ukraine. Ông Kirby nói rằng “con đường dẫn đến chiến thắng” lúc này là Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỉ USD cho Kiev.

Tương tự, Anh cũng cho biết không có kế hoạch triển khai quân NATO “quy mô lớn” tới Ukraine ngoài số lượng nhân sự đã có mặt ở Kiev để huấn luyện cho binh sĩ Ukraine.

Ba Lan - quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất cũng không đồng tình quan điểm của tổng thống Pháp đưa quân NATO vào Ukraine. “Ba Lan không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine” - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho hay.

Các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Ý, Cộng hòa Czech và Thụy Điển cũng “dội gáo nước lạnh” vào phát biểu của Tổng thống Macron đưa quân NATO vào Ukraine. Tuy nhiên, Sloviakia - một quốc gia được đánh giá là có thiện cảm với Nga tiết lộ rằng một số nước “đang cân nhắc về các thỏa thuận song phương để gửi quân tới Ukraine”.

“Tôi có thể xác nhận rằng có những nước sẵn sàng gửi quân đội tới Ukraine, có những nước nói không bao giờ, trong đó có Slovakia và có những nước cho rằng đề xuất này cần được xem xét” - theo Thủ tướng Slovakia Robert Fico.

Trong khi đó, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hoan nghênh các cuộc thảo luận liên quan việc châu Âu gửi quân tới Ukraine. “Điều này đã cho thấy nhận thức tuyệt đối về những rủi ro do một nước Nga hung hăng gây ra cho châu Âu” - ông Podolyak nói.

Về phía Nga, vấn đề NATO triển khai quân đến Ukraine luôn được Moscow xem là lằn ranh đỏ. Ngay sau phát biểu của ông Macron, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ là “tất yếu” nếu binh sĩ NATO hiện diện tại Ukraine.

Ngày 27-2, Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển Linas Linkevicius cảnh báo rằng các nước phương Tây có thể sẽ vô hiệu hóa Kaliningrad (lãnh thổ hải ngoại của Nga) nếu Nga gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh NATO.

Con dao hai lưỡi

Giới quan sát nhận định rằng bình luận của Tổng thống Macron về khả năng đưa quân NATO vào Ukraine đã mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực cho NATO.

Theo ông Max Bergmann, Giám đốc phụ trách các chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ), phát ngôn của ông Macron đã gửi tín hiệu tới điện Kremlin rằng châu Âu sẽ xem xét tất cả lựa chọn để bảo vệ Ukraine.

Ngoài ra, bình luận của ông Macron cũng được cho là đã mở ra hướng tiếp cận mới cho NATO trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne giải thích rằng ý định của ông Macron là đưa quân NATO vào Ukraine thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí và phòng thủ mạng chứ không đạt đến ngưỡng tham chiến.

Câu chuyện không phải về những binh sĩ được điều ra tiền tuyến để chiến đấu mà là các nhiệm vụ cụ thể khác, ở xa mặt trận” - ông Rym Momtaz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), có trụ sở ở London (Anh), nói với hãng tin AFP.

Mặt khác, dù bình luận của ông Macron mở đường cho sự can dự trực tiếp hơn của phương Tây vào xung đột Nga - Ukraine nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu NATO đã sẵn sàng cho một cuộc chiến như vậy hay chưa. Tờ The Conversation nhận định rằng vấn đề quan trọng mà NATO phải đối mặt không phải là việc triển khai quân đội mà là có đủ vũ khí để cung cấp cho đội quân này hay không.

Hồi tháng 10-2023, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, kêu gọi các thành viên của liên minh “tăng cường sản xuất với cường độ cao hơn” vì kho đạn dược của NATO “bây giờ đã nhìn thấy đáy thùng”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng bình luận của ông Macron có thể làm suy yếu sự đoàn kết giữa các đồng minh NATO, mà tiêu biểu là quan hệ Đức - Pháp. Theo hãng tin Reuters, thái độ kiên quyết của ông Macron “dường như chọc tức Berlin” bởi vì Đức trước nay luôn giữ thái độ thận trọng trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Reuters dẫn lời một quan chức châu Âu nói rằng ông Macron đã “gây rúng động và khiến một số thành viên NATO khó chịu”. Ngoài ra, vị quan chức này cũng cho rằng quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp về khả năng đưa quân NATO vào Ukraine có thể làm phức tạp thêm cuộc tranh luận ở Mỹ xoay quanh gói viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine trong bối cảnh các nhà lập pháp và công chúng Mỹ lo ngại Washington sẽ bị cuốn vào cuộc chiến nếu xung đột leo thang.•

Phản ứng của phe đối lập Pháp về bình luận của ông Macron

Các đảng đối lập ở Pháp đã chỉ trích ông Macron sau bình luận của ông rằng việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine “không nên bị loại trừ”, theo tờ Politico.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia, cho rằng bình luận của ông Macron là đang đùa giỡn với “sinh mạng của trẻ em Pháp” khi đặt nền hòa bình của Pháp trước mối đe dọa.

Lãnh đạo đảng cực tả France Unbowed (nước Pháp không khuất phục) Jean-Luc Mélenchon nói rằng Tổng thống Macron đã sai lầm khi muốn “ném một cường quốc hạt nhân chống lại một cường quốc hạt nhân khác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm