Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua vẫn leo thang khắp nơi trên chiến trường, khi hai bên có tới 96 đợt giao tranh.
Nga tiếp tục dồn hoả lực vào nhiều chiến trường Đông, Nam Ukraine
. Theo hãng thông tấn Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 20-2 các lực lượng Nga đã 6 lần dội tên lửa, 92 lần không kích, và 110 lần khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí của lực lượng phòng vệ Ukraine và các khu vực đông dân cư.
. Tổng cộng có 96 cuộc giao tranh diễn ra trong ngày qua trên khắp chiến trường Ukraine.
. Trong đêm 27-2, các lực lượng Nga phóng một loạt máy bay không người lái (UAV) Shahed-136/131 về phía Ukraine, theo Bộ Tổng tham mưu.
. Trong ngày qua, hơn 120 khu định cư ở các tỉnh Chernihiv, Sumy, Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhia, Dnipropetrovsk, Kherson và Mykolaiv bị pháo binh Nga ồ ạt tấn công.
. Tại mặt trận Sivershchyna và Slobozhanshchyna (miền Đông Ukraine), quân Nga duy trì hiện diện quân sự ở các địa phương giáp Ukraine. Các lực lượng Moscow tiếp tục tấn công và ngăn Ukraine đưa quân sang các tuyến giao tranh khác.
. Theo hướng TP Kupiansk (Kharkiv), quân Ukraine đẩy lùi 2 cuộc tấn công của đối phương gần các khu định cư Ivanivka và Tabaivka, cùng 20 cuộc tấn công khác gần khu định cư Synkivka.
. Trên trục Donetsk, các lực lượng Ukraine đẩy lùi 69 đợt tiến công của quân Nga, trong đó nhiều nhất là ở TP Marinka với 33 đợt.
. Tại Zaporizhia, lực lượng phòng vệ Ukraine đẩy lùi 6 cuộc tấn công của đối phương ở làng Robotyne.
. Tại Kherson, các lực lượng Ukraine đang giữ vững các vị trí chiến đấu và đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương. Theo Bộ Tổng tham mưu, dù chịu tổn thất nặng nề, quân Nga vẫn cố gắng đánh bật các đơn vị Ukraine khỏi vị trí chiến đấu ở tả ngạn sông Dnipro nhưng đều thất bại.
. Trong ngày 27-2, lực lượng không quân Ukraine tấn công 9 cụm nhân lực của quân Nga. Trong khi đó, các đơn vị tên lửa Ukraine tập kích 2 cụm nhân lực và trang thiết bị quân sự, 1 sở chỉ huy, 1 trạm điều khiển UAV của các lực lượng đối phương.
Nga công bố số lính Ukraine thiệt mạng 2 năm chiến sự, gấp 14 lần con số từ phía Ukraine
. Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng trong ngày 27-2 lực lượng Nga phá hủy 1 xe tăng Abrams (do Mỹ sản xuất và chuyển giao cho Ukraine) khi chiến đấu ở TP Avdiivka (Donetsk).
Ngoài ra, các lực lượng Nga cũng hạ khoảng 485 binh sĩ Ukraine tại Avdiivka trong ngày qua.
. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng các đơn vị của Nhóm tác chiến Trung tâm (Nga) ngày 27-2 giành quyền kiểm soát khu định cư Severnoye gần thành trì Avdiivka.
Ngoài ra, lực lượng Nga giành được nhiều địa điểm và vị trí thuận lợi hơn, đẩy lùi 9 cuộc phản công của quân Ukraine gần các khu định cư Novgorodskoye, Pervomaiskoye và Petrovkoye ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR).
. Ngoài Avdiivka, các lực lượng Moscow còn tấn công liên tục các mặt trận khác tại Donetsk, loại khỏi vòng chiến 550 binh sĩ Ukraine (chủ yếu ở các khu định cư Bogdanovka, Kurdyumovka và Antonovka).
Các đòn đánh của Nga cũng phá huỷ nhiều khí tài hạng nặng của Ukraine, bao gồm hệ thống pháo M777 do Mỹ sản xuất, pháo tự hành L119 và FH70 do Anh sản xuất, hệ thống pháo cơ giới Gvozdika,...
. Tại Kherson, các lực lượng Nga đẩy lùi 3 cuộc phản công của quân Ukraine ở gần làng Robotyne.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổn thất của quân Ukraine lên tới 40 binh sĩ, 2 xe chiến đấu bộ binh và 2 xe cơ giới. Lực lượng Nga cũng phá hủy 1 trạm tác chiến điện tử Bukovel-AD của Ukraine.
. Trong ngày 27-2, lượng phòng không Nga bắn hạ 1 máy bay tấn công Su-25 và 69 UAV, phá hủy 1 kho nhiên liệu, 1 radar phòng không và 1 sở chỉ huy của quân đội Ukraine.
. Cũng trong ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng Ukraine mất hơn 444.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong đó, kể từ đầu năm 2024, mỗi ngày Kiev mất hơn 800 binh sĩ cùng 120 loại vũ khí khác nhau.
Số binh sĩ Ukraine thiệt mạng do Nga công bố cao hơn rất nhiều so với thống kê trước đó của Ukraine. Vào hôm 25-2 Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Nhiều nước phản ứng việc ông Macron để ngỏ ý tưởng mang quân NATO tới Ukraine
Ngày 27-2, Nga và nhiều nước châu Âu lên tiếng phản ứng trước việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26-2 để ngỏ khả năng gửi quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine.
Trước đó, tại cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu ở Điện Elysee (Pháp) tối 26-2 nhằm thể hiện sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine, ông Macron đã đưa ra ý tưởng gửi quân NATO tới Ukraine.
Dù vậy, ông Macron nói rằng hiện các bên chưa đạt được bất kỳ đồng thuận nào về việc gửi quân đến chiến trường.
"Không nên loại trừ bất kỳ điều gì. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để Nga không thể chiến thắng. Có sự thay đổi trong lập trường của Nga. Họ đang cố gắng giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ và không chỉ để mắt đến Ukraine mà còn nhiều quốc gia khác. Vì vậy, Nga đang gây ra mối nguy hiểm lớn hơn" - ông Macron nói.
. Ngay lập tức nhiều lãnh đạo châu Âu lên tiếng bác bỏ ý tưởng trên của tổng thống Pháp.
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani làm rõ rằng Ý "không có chiến tranh với Nga" và không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine.
“Khi nói về việc gửi quân, chúng tôi phải hết sức thận trọng vì không được khiến mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang có chiến tranh với Nga” - ông Tajani nói.
Cũng bình luận về vấn đề này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng: "Sẽ không có bất kỳ binh lính châu Âu hay NATO được gửi tới chiến trường Ukraine".
Nhà Trắng sau đó nhắc lại rằng Mỹ cũng không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, thay vào đó kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ an ninh đang bị đình trệ nhằm đảm bảo quân đội Ukraine có vũ khí và đạn dược cần thiết để tiếp tục chiến đấu.
. Phía Nga cũng nhanh chóng phản ứng gắt trước ý tưởng của ông Macron.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng nếu quân phương Tây gửi quân NATO tới Ukraine thì khối này và Nga sẽ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp. Ông nhấn mạnh rằng khi đó sẽ không còn là “khả năng" nữa mà là “tất yếu”, theo đài RT.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nhận định tuyên bố của ông Macron có thể được hiểu là sự tham gia trực tiếp của liên minh vào các hoạt động quân sự và thậm chí là một lời tuyên chiến.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích rằng phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp cho thấy ông “thiếu hiểu biết”.
. Trước tình hình trên, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne tìm cách làm rõ phát ngôn của ông Macron. Ông Sejourne cho biết ý định của ông Macron là cử quân đội tới Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ và phòng thủ mạng.
“[Điều này] có thể yêu cầu sự hiện diện [quân sự] trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu” - ông Sejourne nhấn mạnh.