Khi một trong hai bên không tôn trọng những cam kết, nó có thể ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội và gây khó khăn cho những lần kêu gọi tương trợ khác. Vì thế cả hai phía vận động và tham gia đóng góp cần phải rõ ràng, minh bạch.
Chuyển mì gói của người dân xã Thành Hải, TP Phan Rang giúp đồng bào miền Trung trong đợt lũ 10-2020.
Về phía người vận động, quyên góp:
- Nêu rõ ràng hoàn cảnh, lý do vận động. Chịu trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng tiền, hiện vật quyên góp được đúng đối tượng, thời gian, mục đích.
- Công khai tiến độ, số lượng, tên và số tiền đóng góp của từng người, liệt kê đầy đủ, với cả những người không muốn nêu tên thì có thể giấu tên nhưng phải minh bạch số tiền.
- Nêu phương án sử dụng tiền quyên góp ngay khi kêu gọi để những nhà hảo tâm có thể chọn lựa đồng ý đóng góp hay không.
- Cám ơn những người đã đóng góp.
- Không sử dụng tiền hỗ trợ cho các chi phí hậu cần phục vụ di chuyển, khảo sát, trao quà, trừ trường hợp có thỏa thuận trước với người đóng góp hoặc được tài trợ chi phí.
- Phản hồi về hiệu quả của sự giúp đỡ. Ví dụ như bệnh nhân đã được chữa trị, người bị sập nhà đã được xây mới...
- Dự trù số tiền cần quyên góp, thời gian vận động và dừng lại khi đã đạt mục tiêu hỗ trợ.
Trong mọi trường hợp, cần nhớ rằng mình chịu trách nhiệm và nợ ân tình của những người đóng góp. Vì chính họ đã giúp mình có điều kiện giúp đỡ người khác.
Về phía người đóng góp từ thiện:
- Suy nghĩ thật kỹ về mục tiêu đóng góp, không vì thấy tội nghiệp, thấy thương một cách cảm tính mà gửi tiền số lượng lớn.
- Chỉ gửi tiền khi biết rõ thông tin về người kêu gọi và cách thức, thời gian hỗ trợ và đồng ý với điều đó.
- Hãy kiểm tra để chắc chắn rằng tiền của bạn đã được gửi đến nơi cần nó.
- Có thể góp ý về kế hoạch, cách thức hỗ trợ.
- Đề nghị người kêu gọi từ thiện phản hồi về hiệu quả của sự hỗ trợ.
Trong mọi trường hợp, nhớ rằng việc kêu gọi từ thiện là một cam kết. Và bạn có quyền yêu cầu người kêu gọi thực hiện đúng những điều đã cam kết.