Là ĐBQH, tôi sẽ không hỏi “vòng vo tam quốc”, không chất vấn một cách rón rén bằng cách đánh giá lê thê thành tích của đơn vị mình muốn chất vấn rồi mới quay sang “tuy nhiên” và hỏi. Tôi sẽ không phát biểu kiểu đánh giá “nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng”. Bởi đâu phải khi đại biểu nói thì dân mới biết, nhân dân có nghìn tai, nghìn mắt kia mà, có điều gì mà họ không biết đâu.
ĐBQH nói “nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng” tất nhiên dư luận rất thích, vì nó trúng thực trạng hiện nay. Nhưng nói như thế cũng chỉ góp phần xoa dịu dư luận chứ gần như không giải quyết được vấn đề gì. Bởi chất vấn của ĐBQH là để tìm ra mấu chốt vấn đề, để truy ra ai là người phải chịu trách nhiệm chính của tình trạng cán bộ giàu lên bất thường này, qua đó có biện pháp khắc phục. ĐBQH không chỉ nói thực trạng xã hội là xong.
Cũng vậy, tôi cũng không phát biểu với tính chất nhận định rằng nhiều quan chức “làm chuyến tàu vét trước khi hạ cánh”. Bởi nói như thế vẫn quá chung chung, không giải quyết được vấn đề gì. Vả chăng ĐB đúc kết như thế nhưng không có địa chỉ cụ thể, không “bắt tận tay, day tận mặt” thì có khi còn bị quan tham cười cho.
Là ĐBQH, tôi sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ là tại sao năm nào GDP của chúng ta cũng tăng cao mà nợ công lại luôn “phi nước đại”, từ 46% GDP năm 2011 lên 61,3% năm 2015 (theo Bộ Tài chính). Nếu lấy tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2014 là 184 tỉ USD thì bốn năm qua, nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 12 tỉ 852 triệu USD. Tôi sẽ chất vấn nợ công tăng cao là do ta đầu tư phát triển hay do chi tiêu thường xuyên. Nếu đầu tư cho phát triển thì đầu tư cho những công trình nào, các công trình ấy đã đem lại hiệu quả kinh tế ra sao?
Tôi cũng sẽ chất vấn rằng GDP của chúng ta luôn được báo là tăng cao qua các năm nhưng bản chất tăng GDP của chúng ta là do đâu? Do tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay do tiêu dùng trong nước tăng cao, do đầu tư công tăng cao? Nên nhớ, các công trình ngàn tỉ bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã có mặt trong chỉ số tăng trưởng GDP. Lấp sông xong sau này nếu có phải “moi lên bằng hết” thì xin thưa, GDP đã được tính cả “lượt đi, lượt về”. Cái ấy chỉ hại chứ đâu đem lại hiệu quả gì!
Là ĐBQH, tôi sẽ yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo đầy đủ số người đang hưởng chức danh “hàm” hiện nay. Tôi sẽ đề nghị ông công bố ngân sách nhà nước đã chi bao nhiêu cho “hàm” này.
Tôi cũng sẽ không để bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho Quốc hội “đi du lịch rất là mệt”. Tôi sẽ không cười khi nghe Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời, bởi việc quốc gia đại sự đâu phải là chuyện cười. Tôi sẽ yêu cầu ông còn một ngày, một giờ trên cương vị bộ trưởng thì vẫn phải làm hết trách nhiệm chứ không phải còn đến gần tám tháng nữa mà đã vội đá trái bóng sang bộ trưởng nhiệm kỳ sau.
VŨ TRUNG KIÊN