Đây là một trong hai chiếc tàu thuộc một hợp đồng trị giá 84,4 tỷ rúp (khoảng 1,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) đã được Nhà máy đóng tàu Baltic ký kết với Cơ quan năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga vào tháng 5-2014 về việc đóng hai chiếc tàu phá băng thuộc Dự án 22220 trước năm 2020.
Trước đó, vào tháng 10-2013, chiếc tàu phá băng đầu tiên mang tên Arktika đã được khởi đóng và dự kiến sẽ được hạ thủy vào tháng 12-2017. Cả hai đều là những chiếc tàu phá băng hạt nhân lớn và mạnh nhất thế giới hiện nay.
Dự kiến, cả hai chiếc tàu phá băng thuộc Dự án 22220 này sẽ được biên chế hoạt động tại khu vực Bắc Cực của Nga, tương ứng vào tháng 12-2019 và tháng 12-2020.
Mô hình tàu phá băng hạt nhânArktika
"Bắc Cực có đầy đủ các cơ hội... Nhưng các bạn không thể đi đến đó chỉ với hai bàn tay trắng, bạn cần phải được trang bị các công nghệ hiện đại, như tàu, thuyền, các hệ thống thông tin liên lạc và nhiều thiết bị khác...", Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết tại lễ khởi đóng.
Các tàu phá băng lớp này có chiều dài 173,3m, chiều rộng 34m, mớn nước 10,5m và trọng lượng giãn nước là 33.540 tấn. Mỗi tàu phá băng mới sẽ được trang bị một lò phản ứng hạt nhân RITM-200 công suất 175-megawatt, được thiết kế đặc biệt cho lớp tàu này.
Phát biểu tại lễ khởi đóng, giám đốc Rosatom Sergei Kirienko đã ca ngợi việc bổ sung các tàu này cho hạm đội tàu hạt nhân sẽ gia tăng nỗ lực của Nga trong việc mở rộng các hoạt động thăm dò thềm lục địa Bắc Cực và tăng cường khả năng quân sự của nước Nga tại khu vực chiến lược này.
Theo Đức Hùng (ANTĐ /Sputnik)