Hãng tin Reuters ngày 12-7 cho biết phái đoàn quân sự Ukraine và Nga dự kiến sẽ gặp mặt vào ngày 13-7 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ cảng Odesa (thuộc tỉnh Odesa, miền nam Ukraine) qua Biển Đen, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của cả đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Liên Hợp Quốc (LHQ).
“Các đoàn đại biểu quân sự từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, cũng như đại biểu LHQ, sẽ tổ chức đàm phán vào ngày mai tại Istanbul về việc vận chuyển an toàn ngũ cốc ở các cảng của Ukraine ra thị trường quốc tế” - ông Akar cho biết ngày 12-7.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ quan chức nào sẽ đại diện cho mỗi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Ảnh: DAILY SABAH |
Ông Akar cho biết các bên sẽ thảo luận về việc hướng dẫn các tàu nước ngoài chở ngũ cốc ra vào cảng Odessa, khả năng Nga đồng ý đình chiến tại Biển Đen, và sự hỗ trợ của LHQ trong việc kiểm tra các tàu để giải quyết mối lo ngại của Nga cho rằng Ukraine có thể lợi dụng các chuyến tàu để vận chuyển vũ khí.
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, có khoảng 20 tàu hàng đang chờ tại Biển Đen có thể nhanh chóng chuyên chở ngũ cốc của Ukraine ra khỏi cảng Odessa.
Chính quyền Ankara đã làm việc với LHQ trong vài tháng qua để tìm một thỏa thuận giúp khôi phục các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Các tuyến xuất khẩu ngũ cốc này bị đình trệ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón toàn cầu tăng cao.
"Chúng tôi thực sự đang cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn còn một con đường dài phía trước. Rất nhiều người quan tâm về vấn đề này. Chúng tôi sẽ thử mọi cách có thể" - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói hôm 12-7.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine - ông Oleg Nikolenko cho biết Kiev trông đợi vào vai trò của LHQ trong các cuộc đàm phán và sự cần thiết của "một giải pháp đảm bảo an ninh cho các khu vực phía nam của Ukraine".
Một cánh đồng lúa mì ở tỉnh Mykolaiv (Ukraine) - ảnh chụp vào ngày 9-6. Ảnh: REUTERS |
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ mong muốn làm trung gian giúp các bên thống nhất giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ngũ cốc hiện nay.
Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, ông Erdogan kêu gọi ông Putin thiết lập một hành lang do LHQ bảo trợ nhằm giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Vào tháng trước, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Moscow sẵn sàng "cung cấp một lối đi an toàn" cho các chuyến tàu chở ngũ cốc của Ukraine, nhưng sẽ không chịu trách nhiệm thiết lập các hành lang an toàn này.
Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì chính trên toàn cầu. Ngoài ra, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn trong khi Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương chính của thế giới.
Cuộc xung đột, đặc biệt việc Nga phong tỏa Biển Đen, đã khiến Ukraine gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Hiện hàng chục tàu kẹt lại ở cảng Ukraine, hơn 20 triệu tấn ngũ cốc còn nằm trong các hầm chứa ở cảng Odessa.
Vụ thu hoạch sắp tới cũng đang gặp nhiều rủi ro do Ukraine đang thiếu không gian lưu trữ vì xuất khẩu bị đình trệ khiến hàng tồn kho chất đống, Reuters đưa tin.