Ngạc nhiên với 10 điều HS cần ở giáo viên để được hạnh phúc
Kết quả thống kê như sau:
• 92,8% mong giáo viên cười nhiều hơn.
• 84% mong giáo viên nhẹ nhàng hơn khi học sinh làm sai.
• 82,4% mong giáo viên đừng phê bình trước mặt bạn bè.
• 82,4% được tổ chức học tập xen kẽ vui chơi.
• 75,4% mong giáo viên đừng bắt học thuộc lòng quá nhiều.
• 74% mong giáo viên đừng nhắc lại môn học này là quan trọng.
• 70,2% mong giáo viên khen thưởng nhiều hơn trách móc.
• 66,3% mong giáo viên bớt bài tập về nhà.
• 62,4% mong được tăng cường thực tế, khám phá thực tiễn.
• 60% mong giáo viên khác nhận suy nghĩ và hành vi của các em dù nó khác thường và không được như mong đợi.
Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm giáo dục “Hành động vì hạnh phúc học sinh” do Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 14-12.
Tại buổi tọa đàm, thầy Vương Văn Cho, chuyên viên giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Đình Hổ cũng chia sẻ: “Học sinh hạnh phúc nhất khi được giáo viên yêu thương. Để làm được điều đó, giáo viên nên đa dạng trong phương pháp dạy học, tạo niềm đam mê học tập cho các em, để mỗi ngày đến trường một ngày vui”.
“Ở góc độ người đứng đầu nhà trường, cần biết lắng nghe học sinh yêu thích điều gì để các em cảm thấy được sự quan tâm của nhà trường. Đối với người trực tiếp giảng dạy phải biết đúc kết kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy, không nên bám sát vào sách giáo khoa, thời lượng đứng lớp, người dạy nên xây dựng bài giảng song hành giữa ứng dụng và lý thuyết” - thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng cho rằng trước tình trạng ngày càng gia tăng tỉ lệ học sinh bị căng thẳng do áp lực từ việc học, đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi trong tư duy giảng dạy, dạy học không còn là việc ban phát mà đây là lan tỏa kiến thức và tình yêu thương.
Nếu phương thức giảng dạy trước đây, học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc khi hiểu được nội dung bài giảng của giáo viên. Nhưng với phương pháp dạy học mới, học sinh là trung tâm của lớp học, thì người giáo viên chỉ đứng ở vai trò người hướng dẫn, do đó hạnh phúc của học sinh là được người dạy lắng nghe nguyện vọng học tập của bản thân. Giáo viên nên biết đặt ra yêu cầu trong học tập phù hợp với năng lực từng em học sinh, đặt yêu cầu cao không đồng nghĩa cho các em thật nhiều bài tập, bắt các em phải học thêm ngoài giờ. Nên tạo cho các em một môi trường được tích cực bày tỏ quan điểm, nhu cầu và mong ước trong học tập.