Ngày 25-7, Tổ Công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 với 13 bộ, ngành, địa phương được xem là những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phê bình gắt gao” 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo ước tính của Bộ Tài chính về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 cho thấy, NHNN mới chỉ đạt 5,8%. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp, theo báo cáo của NHNN và xem xét của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về số liệu cụ thể vốn đầu tư công năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao và số thực tế đã giải ngân của NHNN cho thấy, tỷ lệ 5,8% do Bộ Tài chính đưa ra là không chính xác do nhầm lẫn cách tính. Thực tế, số vốn giải ngân đã được xác định chính xác của NHNN là 56,14%.
“Với tỷ lệ giải ngân 56,14% cho thấy NHNN là đơn vị đã tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư trong 6 tháng đầu năm. Kế hoạch từ nay đến hết năm, NHNN sẽ đảm bảo giải ngân hết số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017”, NHNN cho biết.
Tại cuộc họp trên, Bộ Tài chính cho biết, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, tính tới ngày 15/6 chỉ đạt dưới 20%. Sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân các đơn vị này đã có chuyển biến tích cực, một số đơn vị đạt trên 20%.
Cụ thể, tính tới ngày 17-7, tỷ lệ giải ngân các đơn vị này như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tỷ lệ giải ngân 13,3%), Bộ Ngoại giao (5,1%), Bộ Y tế (16%), Ủy ban Dân tộc (61%), Thông tấn xã Việt Nam (8,5%), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (4,5%), Hà Nội (33,4%), TP.HCM (26%), Đà Nẵng (24,7%), Bình Dương (20,9%), Bình Phước (28,1%), Tây Ninh (22,9%).