Ngày 9-11, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đã có buổi kiểm tra hiện trường công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra từ Km 1226+780 đến Km 1226+825 của tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM.
Sau khi nghe báo cáo, ông Vũ Anh Minh thống nhất phương án thi công khắc phục. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực, vật lực, hoàn thành công tác sửa chữa giai đoạn 1, bước 1 và thông tuyến đường sắt vào ngày 15-11 với tốc độ 5 km/giờ.
Do địa hình phức tạp, thời gian khắc phục hậu quả kéo dài nên tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ thông tuyến vào ngày 15-11. Ảnh: PLO.VN
Để đạt được mục tiêu tiến độ đề ra, ông Vũ Anh Minh cũng yêu cầu ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 12 của tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận dụng mọi nguồn lực vật tư, máy móc, thiết bị và nhân lực để tập trung cho công tác cứu chữa.
Đặc biệt, chú trọng công tác giám sát thi công để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ thi công và an toàn lao động. Chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị máy móc, vật tư, nhân lực để triển khai công tác khắc phục giai đoạn 2, bước 1 ngay sau khi trả tốc độ 5 km/giờ...
Yêu cầu Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, Nghĩa Bình tập trung vật tư, trang thiết bị. Bên cạnh đó, xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý, phân công cụ thể theo từng hạng mục công việc độc lập để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là công tác thi công dỡ đá và xếp rọ đá. Tập trung hoàn thành công tác thi công hệ dầm chống bằng dầm bó ray trong ngày 11-11.
Trước đó do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc-Nam qua khu vực đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Km 1226+780 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển khiến xói đá nền đường, sát vào thanh ray, uy hiếp an toàn chạy tàu nên phải phong tỏa để sửa chữa.
Sau sự cố, ngành đường sắt chỉ đạo các đơn vị tập trung vật tư, thiết bị, huy động hàng trăm công nhân tham gia thi công cứu chữa. Tuy nhiên, do địa hình thi công gặp nhiều khó khăn, một bên là vách núi, một bên là biển, đường sắt cheo leo ở độ cao 30 m so với mực nước biển, phương tiện duy nhất có thể tiếp cận là đường sắt nên phải lập tàu công trình vận chuyển vật tư, nhân lực đến địa điểm thi công. Mặt khác, do địa hình hẹp, không thể đưa máy móc thi công cơ giới vào sử dụng nên công nhân vận chuyển vật tư phải thi công hoàn toàn thủ công…
Trong thời gian chờ khắc phục, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt vẫn duy trì tổ chức chạy tàu hằng ngày, hành khách sẽ được di chuyển bằng ô tô giữa hai ga Vạn Giã-Tuy Hòa và ngược lại.