Ngày 4-11, ngay sau khi bão tan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại do bão, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại do bão ở Khánh Hòa, Phú Yên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình thiệt hại do bão tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)
Chiều cùng ngày, làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Nhờ chủ động, triển khai kịp thời các phương án ứng phó, các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp đã giảm được thiệt hại về người. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia buồn đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng; gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những mất mát, khó khăn của người dân nơi bão đi qua.
“Bão tan nhưng để lại hậu quả nặng nề. Tôi yêu cầu các cấp chính quyền, các bộ ngành tiếp tục huy động tổng lực, khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị nạn...", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng (bìa phải) thăm hỏi, động viện người dân bị thiệt hại do bão tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên)
Ông cũng yêu cầu ngay trong ngày, tỉnh bị ảnh hưởng do bão phải huy động nhiều lực lượng, khẩn trương giúp người dân sửa chữa nhà cửa bị bão làm hư hỏng để người dân sớm có chỗ ở. Cùng với đó là tập trung khôi phục hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, sửa chữa các công trình, phục hồi sản xuất…
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương phải chủ động ứng phó với lũ lớn có nguy cơ xảy ra ngay sau bão, phải đảm bảo an toàn hồ đập. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Bão đánh ngã cổng trang trí bằng sát trên đường phố Tuy Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đây là một trong những cơn bão đã tàn phá nặng nhất đối với tỉnh này trong nhiều năm qua, gây thiệt hại nặng về tài sản.
Hiện đường sắt Bắc-Nam đoạn qua Phú Yên đã bị tê liệt hoàn toàn do hệ thống thông tin liên lạc bị phá hủy, trụ viễn thông ngã đầy trên đường ray. Hệ thống thông tin liên lạc từ trung tâm tỉnh đi các huyện, địa phương cũng bị tê liệt.
Phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí mới khôi phục được hệ thống điện. Phần lớn tuyến giao thông trọng yếu ở các địa phương đều bị hư hỏng nặng, nhiều nơi chưa thể đi lại. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng bị thiệt hại nặng. “TP Tuy Hòa bị bão tàn phá rất nặng nề, phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục lại hệ thống cây xanh” - ông Việt nói.
Hệ thống điện tại Phú Yên bị hư hỏng nặng. Ảnh: TL
Toàn bộ vườn cây cổ thụ tại Công viên Diên Hồng, TP Tuy Hòa bị bão quật đổ. Ảnh: TẤN LỘC
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đến nay bão số 12 ở tỉnh này đã làm một người chết, năm người mất tích, bốn người bị thương.
Còn theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, thống kê ban đầu đã có gần 8.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; trong đó nhiều nhất là huyện Đông Hòa với gần 7.000 ngôi nhà. Ngoài ra, toàn tỉnh có 19 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Bão đã đánh chìm 77 tàu đánh cá, nhiều nhất là huyện Đông Hòa với 50 chiếc.