Báo cáo nhanh từ ban phòng chống lụt bão Trung ương tính đến 17g30 chiều nay, trong số 20 người chết do bão số 12 gồm Bình Định 5 người, Lâm Đồng 3 người (do sập nhà), Khánh Hòa 12 người.
Hiện vẫn còn 17 người mất tích do bão số 12 gồm Bình Định 14 người (11 người là do gặp sự cố tàu vận tải); Phú Yên 1 người; Khánh Hòa 2 người.
Bão số 12 đã làm 23.755 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng trong đó Bình Định 54 nhà, Phú Yên 7.917 nhà và Khánh Hòa 15.838 nhà.
+ Phú Yên sẽ xả lũ khủng: Lúc 17h chiều nay (4-11), thông tin từ Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho hay trong 24 tiếng đồng hồ tới, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ của công ty này sẽ tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du Phú Yên lên trên 8.000 m3/giây, trong đó có 400 m3/giây chạy máy.
Ngoài ra, từ 13h chiều cùng ngày, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh đã xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây.
Tổng lưu lượng xả lũ từ hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đổ xuống hạ du Phú Yên sẽ tăng lên trên 10.000 m3/giây.
Thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tăng lưu lượng xả lũ lên trên 8.000 m3/giây.
Điều này được lý giải là do lưu lượng nước từ Tây Nguyên tăng cao nên nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tăng lưu lượng xả. “Với lưu lượng xả lũ đó, dự báo vùng hạ du Phú Yên có nguy cơ ngập sâu trên diện rộng”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhận định.
Thông tin nhanh với PV qua điện thoại, lãnh đạo các huyện ven sông Ba như Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa đều cho biết lũ trên sông Ba đang tiếp tục lên nhanh, dâng cao. Hiện nhiều khu dân cư ven sông Ba đã bị ngập nước.
Vùng hạ du Phú Yên đang bị ngập. Ảnh: Hữu Khoa
+ Khánh Hòa: Hàng chục người thương vong, mất tích, cả ngàn ngôi nhà hư hỏng: 16 giờ, ngày 4-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng huyện Vạn Ninh khẩn trương tìm biện pháp cứu nạn 38 người đang mắc kẹt ngoài biển huyện Vạn Ninh.
Theo thông tin ban đầu cho hay, những người này đi trên các bè gỗ ra biển. Khi bão số 12 đổ vào thì mắc kẹt. Trong đó, 30 người đang ở mũi Hòn Già thuộc vùng biển xã Vạn Hưng, còn lại bị kẹt ở mũi Hòn Gà, mũi Hòn Dung thuộc xã Vạn Thạnh.
Thông tin báo về cho hay những người này đang bị ướt lạnh, sức khỏe rất xấu, có nguy cơ ảnh hướng đến tính mạng. Trong khi đó, hiện thời tiết vùng biển này đang rất xấu, vẫn còn gió mạnh, sóng lớn, mưa to.
Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện bão số 12 tại tỉnh này đã làm sáu người chết, năm người mất tích, sáu người bị thương. Bão làm hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó có hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng tàu cá bị chìm, hư hỏng rất nhiều.
Cả ngàn ngôi nhà ở Khánh Hòa tan hoang sau bão 12.
Theo Chi nhánh Công ty Dịch vụ vận tải đường sắt Nha Trang, bão đã làm đường sắt Bắc- Nam đoạn qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bị tê liệt.
Từ rạng sáng 4-11, bảy đoàn tàu với hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt lại tại các ga. Trong đó, tàu các đoàn tàu SE4, SNQ4, SNT2 nằm lại ga Nha Trang, tàu SE2 nằm tại ga Phong Thạnh, các đoàn tàu SE5, SE7 nằm tại ga Diêu Trì (Bình Định).
Sau khi bão tan, ngành đường sắt đã huy động nhiều nhân công, phương tiện khẩn trương khắc phục, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc. Dự kiến, đường sắt Bắc- Nam đoạn qua ba tỉnh trên sẽ thông tuyến trở lại từ chiều tối nay.
Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh này có một số lưu thông khó khăn, gây ách tắc một chiều. Riêng quốc lộ 26 có một số điểm bị sụt trượt, gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, nhiều tỉnh lộ bị hư hỏng, lưu thông khó khăn do cây cối, trụ điện ngã đổ.
+ Phú Yên: 1 người chết, 5 mất tích, 1000 căn nhà hư hỏng:Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Yên, đến 9h 30phút sáng nay, bão số 12 đã làm một người chết, năm người mất tích, bốn người bị thương.
Thống kê ban đầu cho biết hiện đã có 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn tại các huyện Tuy An, Sông Hinh, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa. Ngoài ra, thông tin ban đầu báo về cho biết đã có gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó nhiều nhất là TP Tuy Hòa với gần 320 ngôi nhà.
+ 11h 20 phút, một số tuyến đường ở Nha Trang nước bắt đầu lên gây ngập lụt cục bộ. Xe di chuyển hết sức khó khăn,.
Đường 23-10 nước đang lên. Ảnh: Đức Hiển
Cổng chào TP Nha Trang bị bão quật bong tróc toàn bộ.
+ 11h 10 phút, PV Nguyễn Tân đang có mặt ở Nha Trang ch hay: Hàng lọa con đường ở TP biển này tan hoang. Trên đường 23/10, TP Nha Trang, nhiều cây to bị ngã, một phần tuyến đường bị tê liệt hoàn toàn
Cột điện bị quật đổ nằm ngổn ngang trên đường phố Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Tân
Bão càn quét làm nhà cửa của dân thế này đây. Ảnh: Nguyễn Tân
+Phú Yên: 5 người mất tích trong bão, khẩn cấp ứng phó với lũ
Thông tin ban đầu cho biết đến 10h 30 phút sáng nay tỉnh Phú Yên đã có năm người mất tích do bão số 12. Trong đó, có bốn người ở phường 6, TP Tuy Hòa bị mất tích khi xuống giữ hai tàu cá neo đậu ở cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa). Trước đó, lực lượng bộ đội biên phòng cưỡng chế sơ tán đối với tất cả những người nuôi thủy sản, trên tàu thuyền ở vịnh Vũng Rô đến nơi an toàn. Tuy nhiên, bốn người này đã trở lại trông giữ tàu cá. Khi bão đổ bộ, mưa to, sóng lớn làm tàu chìm hai tàu cá trên khiến cả bốn người mất tích, hiện chưa tìm thấy. Nạn nhân còn lại ở xã An Chấn, huyện Tuy An cũng rơi từ tàu cá xuống mất tích.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết đến 10h sáng nay tổng lưu lượng nước từ hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đổ xuống hạ du Phú Yên đã tăng lên 6.800 m3/giây. Trong đó, riêng Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng lên 5.600 m3/giây.
Theo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, hiện lưu lượng nước từ Tây Nguyên đổ xuống ngày càng tăng nên thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du. Dự kiến, trong đợt lũ này, thủy điện Sông Ba Hạ có thể xả lũ trên 10.000 m3/giây, là mức xả cao trong những năm gần đây.
Trước đó, hai hồ chứa thủy điện trên đều đã xả nước đón lũ do nước từ thượng nguồn đổ xuống nhiều, đạt mực nước thiết kế nên đã xả lũ với lưu lượng lớn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Cùng với khắc phục hậu quả cơn bão số 12 để sớm ổn định đời sống, đi lại cho người dân, tỉnh khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với lũ lớn, có nguy cơ gây ngập nặng tại Phú Yên”.
+ 10h 30 tại Phú Yên, theo ghi nhận của PV địa bàn huyện Đông Hòa (Phú Yên) có nhiều khu dân cư tan tành sau bão.
Tại xã Hòa Xuân Đông, rất nhiều ngôi nhà hư hỏng nặng. Bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ thôn Phú Khê) nói: "Tối qua gia đình tôi đến nhà người thân tránh bão, sáng nay về thì nhà cửa tan hoang, mái tôn bay đâu mất".
Theo ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, thiệt hại nặng nhất ở địa phương này là nhà cửa, tài sản bị hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều khu vực chưa thể khắc phục do đang ứng phó với lũ lớn đang lên".
Tại huyện Tây Hòa, tình trạng cũng tương tự với nhiều ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng.
Theo ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, hầu hết các xã đều bị có nhà bị hư hỏng nặng. Nhiều khu vực người dân đi sơ tán chưa thể trở về do lũ đang lên
+ Lúc 9 giờ, tâm bão trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên gió giật cấp 11, T.P Nha Trang/Khánh Hòa giật cấp 12-13. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.
Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 04-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.
+ Lúc 9h15, phóng iên Nguyễn Tân chuyển hình ảnh người dân ở Cam Lâm đang di tản.
+ Lúc 9h, phóng viên Đức Hiển (ảnh) từ huyện Cam Lâm, Khánh Hoà cho hay gió đang rất mạnh, cuốn hàng loạt mái nhà ở khu vực xung quanh.
Tại cây xăng Cường Thịnh ở xã Cam Lâm, toàn bộ tole bị cơn bão hốt ra đường. Đường dây diện hạ thế đi ngang khu vực này bị đứt. Mất điện toàn khu vực.
Bão quật ngã pano cây xăng ở Cam Lâm, Cam Ranh
+ Lúc 8h 35 phút, phóng viên Bá Huy tại TP Nha Tranh cho hay: TP Nha Trang mưa gió đang quần đảo, mỗi lúc một dữ dội.
Đường phố hoàn toàn không có người đi. Nhiều nhà bị trốc mái, tole bay loạn xạ trong gió quật, rất nguy hiểm.
Biển Nha Trang sóng rất mạnh. Mưa tiếp tục trút xuống TP biển. Đường phố xuất hiện nhiều cây gãy ngã. Một số khách sạn phải chêm cửa để tránh bị gió bật vào trong.
+ 8h 25 phút, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết ghi nhận ban đầu từ các địa phương là thiệt hại rất nặng. Hiện khu vực tỉnh Phú Yên vẫn còn gió mạnh. Trong khi đó, mưa càng lúc càng lớn.
Bà Nguyễn Thị Đào ở huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho hay, nhiều nhà ở đây đã bị gió lùa trốc mái ngói. Gió quật đổ nhiều cây cối. Người dân đang rất lo lắng.
+ Càng đổ vào bờ cơn bão càng kinh hoàng, sức ngày một dữ dội. Lúc 8h 20 phút, phóng viên Tấn Lộc cho hay: Bão đang quần thảo khủng khiếp ở Phú Yên. Gió rít và cuốn trên các mái nhà. Tại TP Tuy Hòa cây bị bật đổ, bứng cả gốc, nhiều đừng phố không thể đi lại. Công viên Nguyễn Huệ hầu hết cây bị ngã đổ. Hiện tại đường ngập được với mức. Hầu hết người dân đều không ra đường.
+ Tại Nha Trang mưa gió mạnh dữ dội. Đường phố hoàn toàn không có người đi, tole bay loạn xạ.
Khách sạn phải chèn cửa đề phòng bão đánh bật
Sóng biển cao dữ dội, mưa to xuất hiện nhiều cây gãy ngã. Một số khách sạn phải chêm cửa để tránh bị gió bật vào trong.
+Lúc 6 giờ 15 phút, tâm bão ở 12,60N-109,30E, bắt đầu đổ vào Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
+ Lúc 6 giờ 45 phút, qua điện thoại, ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thảng thốt: “Quá khủng khiếp. Mấy chục năm nay mới có cơn bão lớn thế này! Hiện giờ khắp nơi mưa gió mịt mù. Tôi đang điện nắm tình hình các địa bàn, ở đâu cũng đang bị bão tàn phá".
Nhà dân ở Nha Trang bị hư hại
+ Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lúc 6g30, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết bão đang đổ vào khu vực này với sức gió khủng khiếp. "Rất nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối, trụ điện, bảng hiệu ngã đổ khắp nơi. Khu vực trụ sở UBND thị xã cũng bị gió quật dữ dội, ngay cả mái ngói của trụ cổng cũng bị bão cuốn phăng…”.
UBND thị xã đã bật còi báo động để cho người dân chủ động phòng tránh bão.
Tại Ninh Hoà, gió bắt đầu mạnh và giật liên hồi kèm theo mưa nhỏ. Dọc bờ biển Đông Hải (Phan Rang), mưa lớn dần, gió thổi mạnh. Trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) cây đổ vì gió bão.
Một cán bộ Văn phòng UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết toàn thành phố đã mất điện. Gió mạnh lên từ lúc 5g30. “Một số biển quảng cáo đã bị gió gật đổ. “Hàng trăm người sơ tán vẫn đang tạm trú tại các trường học, nhà văn hóa thôn.
Trên đường, tôn nhà dân bay khắp nơi. Hàng loạt cây xanh ngã đổ. Sóng biển cao 6-8m, nhiều khu vực cúp điện, cây đổ, nhà tốc mái...
Tại Ninh Hòa, mưa giảm nhưng gió mỗi lúc càng mạnh thêm khiến nhà cửa, đường điện của người dân hư hỏng.
+ Lúc 7 giờ sáng, Luật sư Nguyễn Tường Linh (TP.Nha Trang) cho hay: gió đang rít khủng khiếp, mái tôn bay khắp nơi. một số nhà bị gió đánh bung cửa, đồ đạc bị cuốn tung. Quá khủng khiếp!
Người dân Nha Trang trú tránh bão
+ Lúc 5 giờ 45, bão đang đổ bộ vào bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa, tâm bão ở Nha Trang - Ninh Hòa.
+ Lúc 5 giờ 30 sáng 4-11, Vị trí tâm bão lúc 05 giờ: 12,70N-109,70E; ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 10, An Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to 50-150mm.
Tuy Hoà đang hứng bão
+ Gần 5 h sáng 4-11, PV Tấn Lộc thông tin: Phú Yên đang hứng gió giật dữ dội.
Anh Lộc thông tin: ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết khu vực tỉnh này đang có gió giật với cường độ rất mạnh, cây cối đổ rất nhiều. Toàn địa bàn Phú Yên hiện có mưa rất to, ven biển sóng đánh dữ dội. “Theo dự báo, nếu bão cứ giữ hướng đi như hiện nay thì tâm bão sẽ đổ bộ vào TP Tuy Hòa”- ông Thế nhận định.
Trao đổi nhanh với PV, ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết bão đang đổ vào với sức gió giật dữ dội. “Tôi liên lạc với các phường đều nói tình hình đang hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, do gió quá mạnh nên anh em chưa thể ra đường, xuống địa bàn để nắm tình hình cụ thể. Với sức gió tàn phá thế này, TP Tuy Hòa có nguy cơ bị thiệt hại rất nặng. Tôi đang lo nhất là các địa phương ven biển như phường 6, phường Phú Đông, xã An Phú…”. Ông Kha nói.
Toàn tỉnh Phú Yên đã mất điện từ 2g. Anh Lê Hồng Duật (ngụ phường 7, TP Tuy Hòa), cho hay: “Gió từ biển đánh vào rất kinh hoàng, giật vỡ cả cửa kính. Thậm chí cái cửa sắt cũng không còn an toàn”. Chị Trần Thị Thảo Ngân (ngụ phường 9, TP Tuy Hòa) nói rằng từ trong nhà nhìn ra, xung quanh cây cối đều ngã rạp. Nhiều trụ viễn thông cũng bị gãy.
Theo ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên), bão số 12 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này. Sóng lớn dữ dội đánh vào các khu vực ven biển. Nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn.
Nha Trang cây ngã đổ
Lúc 5 giờ 20, PV Nguyễn Tân cho hay, tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận gió giật mạnh, mưa tầm tã kéo dài từ nhiều tiếng đồng hồ từ trước đó. Người dân lo lắng.
Phan Rang: Cho đến 7:40 phút, mọi hoạt động vẫn diễn ra tương đối bình thường. Lần thứ 4 trong 24 năm, những cơn bão lớn dự kiến đổ bộ đều "né" vùng đất này.
Được bao bọc bởi dãy núi Chúa trấn 45 km bờ biển phía Bắc, Ninh Thuận được thiên nhiên "bảo vệ" khá kỹ, như để bù đắp những thiệt thòi về lượng mưa ít nhất nước của vùng đất bán sa mạc này. Mọi sinh hoạt của người dân gần như trở lại bình thường. Ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứn nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Ninh Thuận cho biết hiện tại chưa ghi nhận bất cứ thiệt hại trực tiếp và gián tiếp nào do bão Damrey gây ra. Nhóm PV Pháp Luật TP.HCM và hơn 20 phóng viên các báo được cử tới Ninh Thuận đưa tin bão đang ra Khánh Hoà- Phú Yên chi viện cho đồng đội, chỉ để lại một nhóm nhỏ theo dõi tình hình mưa lũ sau bão. |