Ngành y tế TP.HCM đề xuất tăng lương cho nhân viên y tế cơ sở

(PLO)- Nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc do thu nhập thấp, ngành y tế TP.HCM đề xuất chính sách tăng thu nhập, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-11, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát với UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2021, 2022 và 10 tháng năm 2023, có 688 nhân viên y tế ở các bệnh viện (BV) quận/huyện nghỉ việc. Cũng trong thời gian này, có 366 nhân viên y tế ở các trung tâm y tế quận/huyện và TP Thủ Đức nghỉ việc.

Giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Nguyên nhân chủ yếu do nhân viên y tế áp lực công việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19. Ngoài ra mức thu nhập thấp, nhà xa nơi làm cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhân viên này thôi việc. Trong số nhân viên y tế nghỉ việc, có một phần chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác như BV tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề” - Ông Châu chia sẻ.

Theo ông Châu, làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế, đặc biệt là y tế cơ sở thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động y tế dự phòng. Nhân lực của hệ thống y tế cộng đồng, kể cả mạng lưới cộng tác viên hiện tại mỏng và yếu về số lượng và chất lượng.

Cạnh đó, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác,… cũng ảnh hưởng đến chất lượng nhân sự trong việc lập kế hoạch triển khai, thực hiện các nội dung giám sát và thống kê báo cáo về chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

Ngoài ra, lực lượng chuyên trách, cộng tác viên tại y tế cơ sở có trình độ không đồng đều và thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác dẫn đến hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình, thu thập số liệu về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

y-te-co-so4.jpg
Người dân khám chữa bệnh tại trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng thời gian tới cần nghiên cứu chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế phù hợp với đặc điểm của TP.HCM. Ngoài ra cần có chính sách về đào tạo nhân viên y tế cơ sở nhằm đảm bảo cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa các đơn vị tuyến cơ sở và tuyến trên.

“Cần đào tạo liên tục và đào tạo theo nhu cầu công việc cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở. Chuẩn hóa trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành y tế công cộng, y học gia đình và các chuyên ngành khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực quản lý và nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế đang công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế” - ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra ông Châu còn cho rằng cần có chính sách giải quyết vấn đề nhà ở công vụ cho nhân viên y tế đi hỗ trợ luân phiên tại các vùng xa; Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo thực hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các BV thực hành tiếp tục hỗ trợ đào tạo ở những khóa tiếp theo.

Ông Châu cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Đặc biệt kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì mức phụ cấp ưu đãi 100% đối với nhân viên y tế tại y tế cơ sở từ năm 2024 trở về sau.

“Cần quan tâm nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức thực hiện các công việc không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại cơ sở y tế, tránh sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm đối tượng trong cùng một đơn vị” - ông Châu kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm