Nghệ An, Hà Tĩnh đang rốt ráo xử lý những trụ sở công bỏ hoang

(PLO)- Người dân sốt ruột khi chứng kiến các trụ sở là tài sản công bỏ không, chưa xử lý xong, gây lãng phí tài sản lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến cuối tháng 7-2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có hơn hàng trăm cơ sở cơ quan hành chính công lập, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, hội quán xóm… dôi dư sau khi sáp nhập.

Nghệ An, Hà Tĩnh cũng rốt ráo xử lý trụ sở là tài sản công bỏ hoang
Một trụ sở tài sản công dôi dư ở Hà Tĩnh đang bỏ không.

Trong đó, riêng đơn vị cấp xã có hơn 30 cơ sở, các khối, xóm dôi dư khoảng 400 cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, các huyện dôi dư hơn 30 cơ sở.

Nhiều trụ sở bỏ không chưa có phương án sử dụng

Theo ghi nhận thời gian qua, nhiều trụ sở hành chính cấp xã như tại Nghĩa Liên, Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn), hay Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa), Hưng Nhân (Hưng Nguyên); Diễn Minh, Diễn Bình (Diễn Châu)… hiện đang bỏ không, không sử dụng. Một số trụ sở đã bắt đầu xuống cấp vì cửa đóng then cài quá lâu.

xa-nam-cuong.jpg
Sau khi sáp nhập ba xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) thì dư thừa trụ sở cũ.

Tại huyện Nam Đàn, sau khi Công an huyện xây trụ sở mới theo kiểu mẫu ở địa điểm khác thì trụ sở cũ – dù có vị trí vàng ngay mặt tiền Quốc lộ 46A - cũng đang bỏ không nhiều năm nay.

Tương tự, tháng 2-2020, sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số ba xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) thì địa phương thừa tới hai trụ sở UBND xã, 2 trạm Y tế xã và 19 nhà văn hóa xóm. Hai trụ sở xã khang trang đã phải bỏ hoang suốt thời gian qua, chưa rõ mục đích sử dụng trong tương lai.

Theo ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, xã đã đề nghị cấp trên cho đấu giá đất hai trường học và một trụ sở xã. Đối với những trụ sở còn lại xã chưa biết xử lý ra sao, nếu đấu giá sẽ không thành vì không phù hợp để quy hoạch khu dân cư.

Cũng giống như tỉnh Nghệ An, người dân, cử tri Hà Tĩnh thời gian gần đây rất quan tâm khi chứng kiến nhiều trụ sở công đang bỏ hoang, gây lãng phí.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc- Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, đến thời điểm này qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn là 245 cơ sở. Trong đó, số cơ sở dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 35 tài sản công của các cơ quan Trung ương, đã xử lý xong 15 tài sản còn lại 20 tài sản chưa xử lý.

Các địa phương lên phương án xử lý

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã cố gắng sắp xếp lại một số trụ sở tài sản công để tránh lãng phí như Nhà khách Hương Sen (TP hà Tĩnh) đã đấu giá cho CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thuê; trụ sở Sở NN&PTNT cũ đang được chỉnh trang, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trụ sở này chưa thu hút được dự án đầu tư dù có mặt tiền ngay đường lớn.

cong-trinh-xuong-cap.jpg
Công trình tài sản công đang xuống cấp do không được sử dụng trong thời gian dài.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, về các nhà văn hóa khối, xóm của một số phường, xã tỉnh tôn trọng ý kiến của người dân nên sẽ giữ lại. Tuy nhiên, với những tài sản có giá trị lớn phải có phương án xử lý, lập hồ sơ trình HĐND tỉnh quyết định theo quy định pháp luật hiện hành.

Để hạn chế sự lãng phí, từ tháng 10-2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu các đơn vị rà soát, xem xét tạm dừng xây dựng mới, sửa chữa trụ sở các địa phương dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản giao các đơn vị thực hiện nghiêm và đầy đủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết.

phong-lam-viec.jpg
Phòng làm việc cũ bỏ không.

Ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tất cả trụ sở dôi dư đã có phương án xử lý và trình UBND tỉnh Nghệ An. Các địa phương phải thực hiện phương án tỉnh phê duyệt là giữ lại, chuyển đơn vị khác hoặc bán đấu giá… Nếu có vướng mắc thì chỉ liên quan đến thủ tục pháp lý một số đơn vị như các nhà văn hóa trước đây xây dựng không có trích đo, trích lục, hồ sơ không đầy đủ nay phải làm lại, mất thời gian hơn.

Ví dụ một số huyện muốn chuyển đổi trụ sở công dôi dư như nhà văn hóa cho đơn vị khác sử dụng nhưng không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp công năng tòa nhà thì địa phương phải tự khắc phục. Nếu cần thiết phải lập phương án, dự án cải tạo sửa tòa nhà cho phù hợp công năng.

tai-san-cong (2).jpg
Cả dãy nhà cao tầng đang bỏ không ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Đối với một số trụ sở nhà văn hóa địa phương muốn đưa ra đấu giá đất nhưng trên đất còn tài sản công, ông Hải hướng dẫn: “Việc đấu giá vẫn bình thường chỉ cần phù hợp với quy hoạch. Nếu chưa có quy hoạch thì phải điều chỉnh quy hoạch.”

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh thông tin một số trụ sở tài sản công trong lúc chưa thu hút được dự án đầu tư theo hình thức đấu giá, đấu thầu thì cần chuyển giao về địa phương quản lý. Còn với các trụ sở UBND huyện, thị xã, thành phố… cần có phương án để trình xin ý kiến cấp trên hướng dẫn.

Trả lời câu hỏi có cho thuê tạm thời trụ sở đang bỏ không hay không, ông Ngọc lý giải: “Không đồng nhất giữa việc chuyển về địa phương sử dụng với việc bán tài sản. Do vậy, giải pháp trước mắt là cần chỉnh trang, đảm bảo vệ sinh môi trường.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm