Nghị án vụ Tô Công Lý, Tô Hoài Dân liên quan nhà máy rác Cà Mau

(PLO)- Trong vụ án nhà máy rác Cà Mau, Viện kiểm sát cho rằng thiệt hại do các bị cáo gây ra là rõ ràng, trong khi bị hại, bị cáo và luật sư bảo chưa thuyết phục.

Hôm nay (20-9), sau 1 ngày rưỡi xét xử, HĐXX vụ án nhà máy rác Cà Mau quyết định nghị án và thông báo 16 giờ chiều nay sẽ tuyên án.

Cùng xin được giảm nhẹ hình phạt

Nói lời sau cùng trước khi toà nghị án, cả ba bị cáo trong vụ án đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Tô Công Lý bị VKS đề nghị mức án 12 - 13 năm tù; bị cáo Nguyễn Bá Đam bị đề nghị 7 - 8 năm tù cùng nói lời sau cùng "xin HĐXX xem xét giảm nhẹ".

Bị cáo Tô Hoài Dân nói lời sau cùng trước khi Toà nghị án. Ảnh: TRẦN VŨ

Bị cáo Tô Hoài Dân nói lời sau cùng có chuẩn bị trước bằng giấy, với nội dung thể hiện mình không có ý thức lừa đảo tiền Nhà nước. Sự việc hôm nay là do bản thân tin tưởng tuyệt đối vào con trai và những người làm công, là do lần đầu thực hiện dự án này có nhiều lúng túng. Bị cáo thể hiện tâm huyết của mình đối với sự nghiệp môi trường và sự phát triển chung của quê hương Cà Mau, Bạc Liêu.

"Con trai tôi bị tạm giam, một mình tôi đang quản lý điều hành cùng lúc Điện gió Bạc Liêu, Khu du lịch Khai Long, nhà máy xử lý rác. Nếu tôi phải ở tù nữa thì ... " - Bị cáo Dân nói đến đây giọng nghẹn đi, sụt sùi. Bị cáo "Kính nhờ HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để tôi có cơ hội tiếp tục điều hành hệ thống các cơ sở kinh doanh của mình, chăm lo cho gia đình, phục vụ xã hội".

Bị hại chưa xác định được thiệt hại là gì

Qua một ngày rưỡi xét xử, các tình tiết vụ án nhà máy rác Cà Mau được làm rõ, trừ một tình tiết về thiệt hại.

Phía đại diện VKS khẳng định thiệt hại trong vụ án là rõ ràng. Cụ thể, ba bị cáo đã lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư từ Nghị định 04/2009, lập hồ sơ khống hai hạng mục công trình trong nhà máy rác Cà Mau để yêu cầu và đã được Nhà nước hỗ trợ 7,3 tỉ đồng. Số tiền 7,3 tỉ đồng này chính là thiệt hại do hành vi lừa đảo của các bị cáo gây ra.

Trong khi đó, đại diện bị hại (tức UBND tỉnh Cà Mau) là ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở KH&ĐT Cà Mau và ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau thì cho rằng mình chưa rõ thiệt hại trong vụ án này là gì.

Ông Khởi và ông Thánh cùng cho rằng, hai hạng mục công trình mà VKS xác định là lập khống để chiếm đoạt tài sản Nhà nước 7,3 tỉ đồng hiện nay đang tồn tại trong nhà máy rác Cà Mau và đang phát huy tác dụng là một khâu không thể tách rời trong hệ thống xử lý rác của nhà máy. Mà nghị định 04 của Chính phủ quy định hỗ trợ 50% giá trị đầu tư nhà máy.

Từ đó, dù không trực tiếp phủ nhận thiệt hại trong vụ án là 7,3 tỉ đồng, nhưng hai vị đại diện cho bị hại đề nghị cơ quan tố tụng cần phân tích mổ xẻ làm rõ thiệt hại thực tế trong vụ án này. Hai ông không bị thuyết phục bởi thiệt hại do VKS kết luận.

Luật sư Trần Trọng Hữu cũng tranh luận với VKS về vấn đề thiệt hại. Ông nói: "Tháng 8-2019 mới khởi tố vụ án. VKS kết luận khi quyết toán hai hạng mục công trình này vào năm 2012 là chưa có hai hạng mục này. Mà hai hạng mục này được phục hồi làm năm 2018 - 2019. Tôi cho rằng đó là sự thật. Như vậy, công trình là có làm, trước khi khởi tố vụ án và có phát huy tác dụng như cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã kết luận. Lý ra, khi xác định thiệt hại phải đánh giá cả phần giá trị này; hoặc phải đánh giá đây là tình tiết khắc phục thiệt hại, khắc phục hậu quả. Nhưng VKS không đánh giá phần giá trị này, trong khi nó là thành phần không thể thiếu của dây chuyền xử lý rác".

Có 4 luật sư bảo vệ cho các bị cáo trong vụ án nhà máy rác Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Đại diện VKS tại toà đối đáp rằng, hành vi làm khống hồ sơ 2 hạng mục công trình để rồi lấy tiền Nhà nước là đã cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngay thời điểm được nhận tiền hỗ trợ. Pháp luật không quy định phải làm rõ việc lấy tiền đó để làm gì. Việc làm công trình sau đó không giúp các bị cáo thoát tội được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới